Ấn tượng Kon Plong (5)

Tác giả: Sống Thật Chậm

Người thứ hai tôi nói chuyện trong ngày mới đến là thầy H., hiệu phó trường Tiểu học và Mẫu giáo Măng Buk 2. Thầy đang trên đường đi họp về, biết có đoàn ở Măng Buk 1 muốn vào thăm Măng Buk 2, nên ghé vào ăn trưa và đợi chúng tôi đi cùng.

Ngược hẳn với thầy D., thầy H. lúc nào cũng nhỏ nhẹ, chậm rãi. Thầy kể cho tôi nghe về Măng Buk 2: tiếng là chung một xã, nhưng trường Măng Buk 2 nằm tuốt sâu phía trong, đường ôtô không vào được, nên vất vả hơn Măng Buk 1 nhiều. Măng Buk 2 có 1 điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ. Học sinh buổi trưa về nhà ăn cơm, chỉ có khoảng chục em bé tiểu học ở điểm trường chính là mang cơm theo, nhưng cũng chỉ có cơm không, thức ăn thì thầy cô giúp cho được chút nào hay chút ấy. Trường có 32 giáo viên và nhân viên, trong đó các cô giáo Mầm non đều là người Xê Đăng (được đào tạo từ chính các em học sinh trong xã đã tốt nghiệp cấp 2) để có thể giao tiếp với các em bé Xê Đăng vốn chẳng biết chút tiếng Kinh nào khi bắt đầu tới trường. Toàn bộ những gì mua sắm trang bị cho trường các thầy cô đều phải thồ vào trường bằng xe máy. Lúc nào may lắm thì gửi được máy cày tiện đường chở vào giúp.

Kể xong những nét chính về trường, thầy khẽ khàng bảo: “Các chị vào tận nơi được thật là tốt, chẳng có ai vào thăm Măng Buk 2 bao giờ chị ạ, vì đường đi khó quá.”  Tôi nghe thấy nỗi xót xa trong câu nói ấy, nhưng phải đến lúc ngồi xe máy vào trường, tôi mới thấm sự nhọc nhằn của những người thầy Măng Buk 2.

Đã nghe dọa trước, tôi chuẩn bị tinh thần kỹ lắm cho chuyến đi xe máy ấy. Lúc đầu tôi còn thử đếm và nhớ số cầu treo để làm mốc tính đường, sau nhiều quá tôi chẳng buồn đếm nữa. Con dốc nọ nối đuôi con dốc kia kéo quãng đường như dài vô tận. Khỏi cần nhắc đến số lần lạnh gáy của tôi, vì tôi đã chọn cách củ chuối nhất – tự nhủ trong bụng: “sống chết có số, trời gọi lúc nào thì dạ lúc ấy thôi…” Mặt đường đất đỏ đầy rãnh sâu ngang dọc ngoằn ngoèo, giống hệt những mê cung bí hiểm nhìn từ trên cao xuống. Ngồi sau xe, mấy lần tôi nghển cổ thầm tính cách xử lý đường nếu mình là người cầm lái, lần nào tôi cũng tính sai. Thật phục sát đất cách đi của các thầy, cứ từ cái sống trâu này thoắt cái chuyển sang cái sống trâu khác mà không lần nào lọt bánh xe xuống rãnh. Tôi đoán là những tay lái lão luyện này cũng phải trả giá rất nhiều trước khi học được cách đi táo bạo ấy.

Tính đến thời điểm chúng tôi đi, trời đã 4 ngày không mưa, vậy mà trên đường vẫn có những đoạn nước ngập ngang bánh xe, bạn hãy nhìn chân thầy H. sau quãng đường vào trường trong ngày nắng ráo nhé.

Theo kế hoạch thì buổi chiều hôm ấy chỉ đủ thời gian khảo sát điểm trường chính và 1 điểm trường nghèo nhất của Măng Buk 2, đoàn chúng tôi chuẩn bị 1 bao kẹo và 1 bao bánh mì đủ để chia cho số học sinh ở 2 điểm trường này cho vui. Vào đến trường chính, thầy H. tần ngần hỏi chúng tôi: “Các chị có muốn trực tiếp chia bánh kẹo cho học sinh không?” Chúng tôi lắc đầu quầy quậy: “Không không, bọn chị thăm lớp nào, đúng giờ mà các cô cho ăn thì bọn chia cho lớp ấy, không thì nhờ các thầy cô giúp hộ.” Lúc ấy thầy mới nói: “Vì có một số học sinh học trái buổi, đã về rồi chị ạ, và em muốn xin phép chia số bánh kẹo này làm 4 phần cho cả 4 điểm trường, cho các cháu đều vui, điểm nào có bánh thì thôi kẹo, có kẹo thì thôi bánh chị nhé, mỗi cháu một vài cái kẹo thôi cũng được, không có chúng nó tủi thân.”

Một lần nữa chúng tôi lại hố to rồi 😦 Không phải là Gánh hàng xén không đủ kinh phí hay không đủ  phương tiện để chở bánh kẹo vào đủ cho các con. Vấn đề là chúng tôi không nghĩ ra rằng ở Kon Tum này, cái bánh hay cái kẹo lại có giá trị với trẻ con đến thế. Trước ngày lên đường, một người bạn của chị em tôi, anh là chủ một doanh nghiệp lớn ở Buôn Mê Thuột, có dặn chúng tôi rằng: “Anh có đọc bài trên blog của các em về các trường ở Lào Cai rồi. Anh thấy Tây Nguyên không nghèo và khó khăn như Tây Bắc nên các em khi mang đồ đến các trường phải cẩn thận, cân nhắc kỹ kẻo không người nhận thì mất lòng mà mình thì mất công…” Mẹ Còi đã đi khảo sát Măng Buk 1 nên đã rõ hoàn cảnh, nhưng cũng chẳng biết giải thích thế nào cho người bạn ấy hiểu. Bây giờ đến đây, nhìn thấy có em bé Mẫu giáo bỏ tọt cái kẹo cả vỏ vào mồm vì chẳng biết phải ăn cái thứ đẹp đẽ ngon mắt ấy như thế nào, nhìn thấy người thầy giáo cẩn trọng san đều từng cái bánh, cái kẹo nhỏ nhoi để toàn trường đứa trẻ nào cũng có phần, chúng tôi lại tự trách mình đã không lường trước được sự thể này. Và người bạn ấy, anh cũng sống ở Tây Nguyên này, mà cũng không hình dung được…

Vừa đến điểm trường chính của Măng Buk 2, một cô giáo trẻ chạy ra vồn vã: “Lát nữa các anh các chị vào chơi điểm trường của em nhé, nhé… Chưa có ai vào thăm điểm trường em lần nào cả. Chỉ cách đây có một quãng thôi. Em vào trước đây, nhớ lát vào thăm bọn em đấy…” Rồi không kịp để chúng tôi phân bua gì, cô lên xe đi ngay. Tôi chủ quan là trời còn nắng, tẹo nữa sẽ năn nỉ thầy Đ. kéo dài chương trình vào thăm điểm trường của cô giáo ấy, nhưng trời chẳng chiều người, chúng tôi vừa vào thăm lớp Mẫu giáo xong, quay ra chưa kịp uống nước đã thấy mây đen vần vũ đầy trời, cả tốp hối hả đi ngay.

Tôi còn kịp ngoái lại để nhìn thấy vẻ mặt ngơ ngác của mấy thầy cô tiểu học đang đứng lớp. Các em bước hẳn ra cửa lớp nhìn theo, chắc trong lòng không hiểu tại sao các anh chị đến, chưa thấy vào chào hỏi gì học sinh đã vội vã bỏ đi. Đoạn sau của cuộc chạy trốn cơn mưa ấy bạn đã biết rồi, và cuối cùng chúng tôi cũng biết nếu mình quay ra chậm mươi phút nữa thì không biết sự thể sẽ ra sao. Nhưng tại thời điểm ấy, tôi thấy mình bất nhẫn và vô lương tâm khi bỏ đi như vậy. Chỉ còn biết tự an ủi là phiên chợ sau chúng tôi sẽ ngủ lại Măng Buk 2 để tha hồ có thời gian tâm sự và tìm hiểu kỹ hơn về đời sống và công việc của các em.

20 thoughts on “Ấn tượng Kon Plong (5)

  1. Thuốc ngừa vắt và ruồi vàng loại nào tốt và thông dụng vậy các mẹt, chắc phải nhờ o Oanh tư vấn giúp, Hùng sẽ gởi về trước tháng tám

    • Cám ơn bác Ròm trước nhé bác Ròm ơi. Thuốc ngừa vắt thì em không biết, chứ ruồi vàng thì các cô giáo bảo thuốc chống côn trùng thông thường không có tác dụng gì hết. Chắc chuẩn bị tinh thần để “sống chung với lũ” thôi bác ạ 🙂

    • – Theo kinh nghiệm của riêng em thì cứ thủ sẵn lọ dầu gió, ruồi vàng cắn thì cứ bôi vào sẽ đỡ ngứa. Còn vắt thì chịu thôi, các chị cứ trùm cho kín vào sẽ phòng ngừa được chừng nào hay chừng ấy 🙂
      – Lâu rồi các chị chẳng ghé thăm metgoila của chúng em gì cả. Chúng em mới làm 1 chương trình Đăk Kôi – Kon Rẫy xong và sắp tới 1/6 chúng em đang làm thêm 1 chương trình nữa tại Làng Konmơnaysơlam I nũa kìa, có hết hình ảnh bên mẹt đó chị ( tranh thủ khoe tí 🙂 )

    • Việc đầu tiên của chị trong ngày là đảo hết một vòng blog của các Mẹt chủ trong GHX em ạ, có điều dạo này bận nhiều việc quá nên không để lại còm thôi 🙂

  2. Không biết ở Kon Plong vào mùa mưa có con vắt không ha ?? Em đi rừng hay qua những nẻo đường Tây Nguyên thì sợ nhất con này, vì nó bám vô quần áo, rồi cắn và da mình hồi nào không biết, mà lại màu xanh lè, nhiều khi đi qua mấy tàn cây, nó bám vô mình mà mình cũng chả biết ..:) 🙂

    Thật là cảm phục các thầy cô giáo luôn bám trụ lại các điểm trường xa xôi này nhỉ các anh chị !

    hugs & kisses các anh chị em trong GHX lun nè.

    • Ối Dã Quỳ ơi, đừng dọa chị chứ, chị sợ vắt lắm, mặc dù chưa gặp nó bao giờ nhưng cứ nghĩ đến là sởn gai ốc rồi. Chắc chắn Kon Plong mưa xuống là có vắt. Chuyến trước gặp mưa chị Linh định chui vào bụi “tác nghiệp”, mấy thầy thấy thế la ầm lên “coi chừng vắt chị ơi” 🙂

    • Vắt cắn thì chị bị 1 lần rồi Dã Quỳ ơi. Vắt thường dò tìm theo hơi ấm, nên người đi đầu thường không bị cắn, chỉ đánh động cho nó ngỏng cổ lên tìm kiếm, bác nào đi kế sau là dính ngay 🙂 Vắt cắn không đau nhưng mà ghét cái là khi rứt nó ra thì vết cắn cứ chảy máu mãi, khó cầm, và ngứa rất khó chịu. Bọn mình đi xuyên qua rừng bằng xe máy, hy vọng là không sao, có cách phòng ngừa là mặc áo mưa kín mít cả những vùng da hở như cổ, gáy… và chân thì đi ủng cao vào thôi.

  3. Hai tuần nay quá bận không vào được với GHX, nhớ quá. STC ơi em viết giỏi quá. Những con người ở GHX này và những nơi mà Gánh đến, những người mà Gánh gặp thật tuyệt vời! Cảm ơn những điều tốt đẹp mà các bạn đã gieo, đã chia sẻ. Khâm phục các bạn một cách sâu sắc.

    • Hihi, GHX thì cũng bình thường, có khâm phục thì phải khâm phục các thầy cô ở những nơi ấy chị nhỉ. Nói nghiêm túc, nếu em mà được trả lương cao gấp chục lần mức các thầy cô hiện đang được hưởng, em chắc cũng không ở lại và làm việc được ở đó như các thầy cô đang làm. Thế mới thấy mình hèn, chị ạ 😦

  4. Em dân Tây Nguyên chính gốc, đi công tác xe máy đến các xã cũng nhiều. Nhưng thật sự em rất e ngại đường xá ở KonPlong. Đợt đi vừa rồi em với Tuyền ngã tí nữa phi xuống hố còn chưa kịp hoàn hồn 🙂 Lại thêm mấy cái dốc trời nắng đi xe số 1 còn phải đẩy, trời mưa + đất đỏ thì không biết thế nào. Cuối tháng 8 mùa mưa, nên em cũng rất ngại cho các chị. Tháng 8 này các chị nhớ mang thuốc chống côn trùng, vì có dịp phải dùng rồi đó …:)

  5. Chiều đó về Măng Buk 1, các cô giáo nói: Các anh chị vào Măng Buk 2, chắc thầy cô trong đó mừng lắm, không, phải nói là vô cùng xúc động mới đúng, vì trước giờ chả có đoàn nào vào trong ấy đâu. Mình ngẩn người, nhớ lại cảnh cô giáo tất tả chạy về chuẩn bị đón bọn mình, và cảnh cô giáo khác ở điểm trường trên đường ra đứng tần ngần nhìn khi bọn mình nói, sắp mưa rồi, bọn chị phải chạy về, hẹn em lần sau vậy nhé. May mà còn có lần sau.
    Còn về con đường, thấy mình ngồi sợ rúm đằng sau, thầy Đam cười, đường này ngã cùng lắm là trầy xước thôi, đâu có chết được mà chị lo. Ối giời, ngã trên con đường ấy thì chỉ có nước rớt như bịch muối, cả cái xe đè lên người thì cũng ra vấn đề đấy, chưa kể qua những cái cầu treo mà ván lát bung ra, còn thiếu mấy tấm nữa chứ…

    • Chuyến tháng 8 tập trung cho Măng Buk 2 em ạ. Cái kinh nghiệm nghiêng xe mãi mà chân không thấy chạm được tới đất em chị đã nếm ở Sàng Ma Sáo rồi nhỉ, cần gì Mẹ Còi phải dọa 🙂

    • Chính thế đấy em ạ, luyện tay lái đi là vừa, cái đường ấy nó quái lắm. Trời mưa xe đi vào vũng lầy rồi nước chảy tạo thành rãnh sâu, đến khi nắng lên nó khô đi thành sống trâu hai bên. Có chỗ xe phải đi vào rãnh, lúc ấy phải dùng hai chân mà chèo, còn có chỗ lại phải leo lên sống trâu, lúc ấy phải cứng tay lái, vì có muốn chèo cũng chả được, em phải cao chừng mét chín mới thò chân chạm được tới đất. Em An Mẹt Gỏi lá nhà mình phi xuống ruộng mấy lần, kèm thêm vài lần xe trượt ngang tới trước đấy. 🙂

Bình luận về bài viết này