Ấn tượng Kon Plong (4)

Tác giả: Sống Thật Chậm

Các thầy cô giáo ở Kon Plong để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ, tôi cứ nghĩ mãi về cái cách họ vừa làm thầy, vừa làm mẹ, vừa làm cha cả mấy trăm học sinh ở trường; cái cách họ gắn bó với nhau, nương tựa vào nhau để đứng vững trong cái điều kiện khó khăn đến cùng cực ấy… và tôi tìm ra nhiều yếu tố lý giải cho việc tại sao mấy mẹt chủ chúng tôi đã không băn khoăn ngần ngại gì khi đặt ra 1 ngoại lệ so với tiêu chí của Gánh hàng xén (GHX) – hỗ trợ cho cả trường cấp 2 nội trú; đã lập tức thống nhất với nhau rằng chúng tôi phải sớm đưa GHX trở lại với Kon Plong.

Vốn tôi rất ngại viết về con người, bởi trong thời gian ngắn ngủi làm việc và ở lại Măng Buk, tôi không thể coi là có đủ thông tin hay hiểu biết cần thiết để vẽ lại chân dung của bất cứ ai cho bạn, nhưng nếu thiếu sự có mặt của những con người này, bạn sẽ không hiểu tại sao GHX lại triển khai nhanh đến thế ở địa bàn mới này. Cảm nhận của cá nhân tôi, mong bạn không phiền nếu đôi chỗ tôi nói ra những nhận xét rất thật của mình.

Người đầu tiên tôi gặp là thầy D., hiệu phó trường cấp 2 Măng Buk, người được cử ra đón đoàn từ cách trường đến hơn 20 cây số. Thầy nhỏ con, nhanh nhẹn và xốc vác. Đoàn xe gặp bãi lầy, thầy dừng phắt lại, không ngần ngại lội ngay xuống dò đường, rồi hò đám thanh niên của nhóm 1+ xuống khiêng đá lót đường cho xe đi. Thấy chưa ổn chỗ nào, sẵn cái xẻng dã chiến của Mẹ Còi, thầy không nề hà xúc cả đống đất nhão nhoét sang chỗ khác dẹp được 1 con đường khả dĩ cho xe qua. Đến con ngầm lớn cuối cùng, xe không qua nổi, cũng lại thầy là người nảy ra sáng kiến thuê chiếc xe U-oát ở tại chỗ để đưa đoàn đi tiếp vào trong, gửi 2 cái xe của đoàn có người trông nom chu đáo. Vẫn thiếu chỗ ư? Thầy vẫy ngay cái xe tải đi phía sau, nhờ gửi 3 người của đoàn vào tận trường… Từ lúc được thầy đón, chúng tôi cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm, dù  đường đi mỗi lúc mỗi khó khăn hơn.

Miệng nói tay làm, có gì phải nề hà nhỉ

Vào trường rồi, tôi bị cuốn vào công việc, thầy cũng mải mốt lo những nghĩa vụ thường nhật của mình, tôi không có lúc nào nói chuyện riêng với thầy cả. Điều khiến tôi phục nhất là dù có đoàn vào thăm, lịch dạy học của trường chính cũng như các điểm trường phụ vẫn duy trì nghiêm ngặt, không hề bị xáo trộn tí nào. Các lớp vẫn lên lớp, vẫn chào cờ, vẫn thi đấu bóng đá, vẫn giờ tự học buổi tối… nề nếp đâu vào đấy. Sáng hôm sau cả đoàn quay ra bằng ôtô, tôi đi xe máy nên ở lại sau một chút mới có dịp nghe thầy kể về công việc của mình bằng một giọng đầy say mê.

Thầy nói, học sinh ở đây thích thể thao, mê văn nghệ và hăng ngoại khóa lắm… nói chung các hoạt động ở trường phải làm sao thật vui mới giữ chân được chúng. Kinh phí có hạn, tổ chức cho các em vui chơi, thi đấu thì không khó, nhưng phần thưởng thì kẹt vì không có ngân sách. Cái khó ló cái khôn, thay vì thưởng cho mỗi cá nhân có thành tích 50 ngàn đồng (mà chúng sẽ mua kẹo bánh ăn hết trong chớp mắt hoặc đem về đưa cho cha mẹ là xong, không để lại ấn tượng gì đặc biệt), thầy thuê in 1 cái giấy khen đơn giản, rồi mua 1 cái bút máy loại tốt để tặng cho em học sinh đó, chi phí rút xuống chỉ còn khoảng 30 ngàn đồng, và em học sinh được thưởng thì sung sướng hơn hẳn khi trước (vì có giấy khen đem về treo ở nhà, để cha mẹ khoe với xóm giềng, còn cái bút thì lúc nào dùng đến cũng cảm thấy tự hào về cái thành tích mà mình đã có).

Trường cấp 2 giống như trung tâm văn hóa – thể thao của xã. Bất cứ hoạt động lễ hội nào của trường (kể cả lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3 cách ngày chúng tôi đến khoảng 3 tuần), phụ huynh học sinh và bà con xung quanh kéo đến rất đông để xem. Học sinh thì sung sướng vì được múa được hát được biểu diễn, người dân thì vui vì thấy mình như đang dự một ngày hội lớn. Xét cho cùng, khi người ta yêu mến và hâm mộ nhà trường, việc thuyết phục họ cho con đến trường ở nội trú và học sẽ bớt khó khăn đi rất nhiều (từ từ tôi sẽ kể bạn nghe nó khó đến mức nào).

Quả đúng như thầy giải thích, chiều hôm chúng tôi mới đến, nghe lũ trẻ nô nức gọi nhau: “Đi xem đá bóng đi! Xem đá bóng không?” cứ rộn ràng như kéo nhau đi xem World Cup. Hóa ra là trận bóng giữa 2 lớp của trường. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng reo hò của chúng rộn rã cả một góc núi. Xin lỗi bạn, tôi tìm mãi mới ra cái ảnh chụp khán đài A nhỏ xíu này, cầu thủ thì khuất mất cả, thợ vườn mà 🙂

Cái khán đài B này cũng tuyệt vời, nhưng chẳng may cổ động viên nào quá đà, vung cả 2 tay lên mà hò hét thì cũng gay đấy 🙂

Học trò hồn nhiên và ngùn ngụt sức sống, thầy giáo tận tụy và tháo vát năng động như vậy, thử hỏi, GHX chúng mình không giúp làm sao được? Manh nha trong đầu tôi là những cái móc chìa khóa, những món đồ đồ dùng học tập xinh xinh mà GHX có thể mang lên giúp các thầy đỡ đau đầu về khoản tiền mua phần thưởng cho các con 🙂

Cà kê dê ngỗng quá nên không thể gói gọn tất cả các chân dung vào 1 – 2 lần đăng như dự định ban đầu được, bạn thông cảm, kỳ sau tôi kể tiếp.

11 thoughts on “Ấn tượng Kon Plong (4)

  1. Điều làm mình thấy “được”, thấy “lãi” nhất khi tham dự vào hoạt đông của GHX là được gặp những con người rất vô tư, nhiệt huyết, ko vương vấn chút tư lợi nào. Được xem cảnh đẹp, gặp những con người đẹp,… nên thấy cuộc sống vui hơn rất nhiều! STC ơi, nhớ viết tiếp nhanh lên nhé.

    • Không phải mỗi chị đâu, bọn em đứa nào khi tham gia cơm thịt rồi hàng xén đều thấy thế cả, cho nên lúc nào cũng hăng hái 🙂 Mẹ Còi với em hay đùa nhau “Nếu mà mình làm vì danh hay vì lợi thì chắc mình chán, bỏ đi chơi trò khác lâu rồi.”

Bình luận về bài viết này