Ấn tượng Kon Plong (2)

Tác giả: Sống Thật Chậm

2. Thời tiết Kon Plong: Chúng tôi đến nơi này vào mùa thời tiết thuận lợi nhất trong năm.  Sáng ra nắng vàng óng trên cây, bầu trời cao lồng lộng, xanh thẳm. Thế mà mới quá trưa, thoắt cái, mây đen kéo đến, mưa sầm sập, tôi cúi gằm mặt xuống, vẫn thấy mưa quất rát rạt, chạy mất dép về đến trường mới biết là hồi nãy bị mưa đá. Nhưng vừa mưa mù trời đấy, lát sau nắng lại đã hửng lên, gió mang đầy hơi nước đượm hương lá trong trẻo khiến tôi nhớ về những ngày sơ tán xa xưa. Ở thành phố bây giờ hiếm khi có thể ngửi mùi hương trong gió như thế. Vào mùa thuận lợi nhất mà thời tiết còn như cô gái lỡ thì đỏng đảnh thế này, học sinh đi học còn bước thấp bước cao, đi không khéo sụt chân xuống bùn ngập sâu tới gối, nữa là vào mùa không thuận lợi thì chẳng hiểu thời tiết sẽ thế nào. Đem thắc mắc ấy hỏi cô Hiền, cô không trả lời, chỉ kể: “Ngày em mới vào nhận công tác ở đây, đúng mùa mưa, mấy tháng sau em mới nhìn thấy mặt trời lần đầu chị ạ.”

Mùa mưa kéo dài mấy tháng liền, khi ấy mưa dầm dề chẳng có ngày nào tạnh, các trường muốn mua thực phẩm phải chờ những người tiếp phẩm bằng xe máy (lốp quấn xích) thồ vào trường. Quãng đường trời nắng đi bằng xe máy đã tính bằng giờ đồng hồ, gặp trời mưa thì chịu không thể nào tính thời gian được. Nói mới nhớ, đến Kon Plong tốt nhất bạn đừng bao giờ hỏi từ điểm này đến điểm kia là bao nhiêu cây số, mọi người sẽ cho bạn biết một hệ đo mới: đi từ chỗ này đến chỗ ấy hết bao nhiêu phút xe máy, và cũng đừng tin tuyệt đối vào điều đó, vì 10 phút xe máy trong trời khô có thể thành cả tiếng đồng hồ trong trời mưa. Nói thế còn lịch sự, một nửa quãng đường từ trường Măng Buk 2 trở ra Măng Buk 1, theo lời thầy Đam (hiệu trưởng trường cấp 2 Măng Buk) chỉ cần trời mưa khoảng nửa tiếng là không cách nào đi xe máy được nữa, lúc ấy chỉ có nước khiêng xe mà đi thôi.   Khiêng xe thì các thầy nhiều kinh nghiệm rồi, nhưng chắc lượng sức mình không khiêng nổi 2 bà già béo quay nên khi thấy có dấu hiệu trời mưa, thầy cứ đứng ngồi không yên, giục chúng tôi kết thúc công việc để quay ra 🙂 Chị em tôi chỉ áy náy là đã đi vào vất vả đến thế mà không chào hỏi các thầy cô đang đứng lớp được tiếng nào.

Thầy Linh kể, những học sinh cấp 3 học ở Măng Đen (cách Măng Buk 40 cây số), cuối tuần đi bộ về thăm nhà, gặp mùa mưa thì đi từ sáng sớm thứ Bảy đến 9-10 giờ tối mới thấy đi ngang trường cấp 2, đói và lạnh run cầm cập. Các thầy cô thương quá, có lúc gọi vào, nấu vội cho bát mỳ tôm để các em ấm bụng, rồi lại đi bộ tiếp đến quá nửa đêm mới về đến nhà. Ngủ với bố mẹ nốt đêm, sáng sớm ra các em lại phải quay lại trường mới kịp vào học ngày thứ Hai. Những câu chuyện như thế, nếu không đến, không gặp cơn mưa quái ác, tôi sẽ không tin là thật.

Mỗi năm chỉ tiêu học sinh của trường cấp 2 Măng Buk đi học cấp 3 trường huyện khoảng 10 em. Điều đáng nói là hầu hết số học sinh giỏi, hiếu học đều sống ở phía trường Tiểu học Măng Buk 2, cho nên quãng đường mà tôi có kinh nghiệm xe máy khoảng 2 tiếng trong trời khô mà các em lặn lội trong đêm thì 10 giờ tối ở Măng Buk 1 bước ra không biết mấy giờ mới về tới nhà. Con đường từ huyện về nó như thế này, tưởng tượng khi mưa biến nó thành bùn nhão, người thành phố mà đi chắc phải mấy ngày mới qua được 40 cây số ấy.

Học sinh ở đây sống tình cảm lắm. Trên đường chở tôi vào Măng Buk 2, đột nhiên thấy thầy Linh dừng lại quát hỏi một bé gái: “Sao em lại về?” Cô bé đỏ bừng mặt: “Em nhớ mẹ lắm!” Thầy nghiêm giọng: “Mai nhớ phải quay lại trường đấy!”, cô bé bẽn lẽn “Vâng ạ” rồi lại cắm cúi bước. Thầy nói, bất kể đầu tuần hay giữa tuần, có những đứa cứ nhớ mẹ là lội bộ cả mấy tiếng đồng hồ về nhà, quáng quàng rồi hôm sau lại quay ra.

Kỳ sau sẽ hầu bạn chuyện văn hóa độc đáo và con người đặc biệt của Kon Plong.

20 thoughts on “Ấn tượng Kon Plong (2)

  1. Bài viết của STC làm mình nhớ ngày còn đi học nội trú, một lần mưa lụt, cả Hà Nội biến thành biển nước.Mình đã lội nước ngập đến bụng 2km để về nhà chiều thứ bảy. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ và cũng chỉ khổ thôi chứ không nguy hiểm vậy mà mình đã thấy đoạn đường dài khủng khiếp. Đọc bài này, hình dung ra những đứa trẻ lội suối băng rừng cả ngày đường để về nhà vì nhớ bố mẹ, thấy thương các con quá!!! Chỉ biết cầu mong cho các con đi đến nơi về đến chốn thôi chứ mơ ước về những con đường, những cây cầu có lẽ quá xa vời…
    Mình thấy thật mừng vì các con giờ đã có những tấm áo mưa để bớt lạnh trong những cơn mưa rừng, có dép để đôi chân bớt đau trên đường xa núi dốc. Ít ỏi vậy thôi nhưng có lẽ cũng giúp cho đường tới trường của các con bớt nỗi gian nan.

    • PMH ơi, bạn nói đúng, thật là mừng vì Gánh đã đem được cho các con chiếc áo mưa, đôi dép, bát thìa , ghế và những vật dụng cần thiết khác.
      Mình chỉ mong gánh sẽ có thêm nhiều cổ đông góp sức góp công để có thể gìúp nhiều học sinh ở nhiều nơi PMH nhỉ?

    • Lũ hàng xén bọn mình chẳng thể làm được gì nhiều, nhưng dù sao cũng là có thêm người quan tâm và chăm lo cho các con bớt khổ, nghĩ thể để thấy vui hơn Hà ạ. Chỉ cầu mong GHX đừng bao giờ chồn chân mỏi gối thôi.

    • Mình cũng chỉ mong có nhiều hơn những bàn tay, những tấm lòng cùng chung sức chăm lo cho các con Hương ạ.

      Chừng nào Soái Mẹt chưa chùn chân mỏi gối thì vợ chồng tớ vẫn lếch thếch xách bị xách mẹt chạy theo, STC ơi! (chỉ sợ chạy không kịp vì Soái Mẹt đi nhanh quá) 🙂

    • Người ngoài thấy khổ, người trong cuộc thấy bình thường, lẽ đời nó vậy Hương nhỉ. Giống bọn mình khi qua khỏi thời khốn khó, nhìn lại ngẫm không hiểu tại sao mình có thể sống như vậy, trưởng thành và vươn lên trong điều kiện như vậy, nhưng lúc ấy thì vì xung quanh ai cũng thế cả nên cũng chẳng thấy mình đặc biệt khổ gì cả, vẫn vui như thường 🙂

Bình luận về bài viết này