Ấn tượng Kon Plong (1)

Tác giả: Sống Thật Chậm

Lỡ hẹn với chủ bút Mẹ Còi là sẽ viết thêm loạt bài chi tiết về Măng Buk, đến khi soạn ảnh để viết bài mới ngã ngửa ra rằng chẳng có mấy cái ảnh trong tay. Rõ là trời hại, đi đâu tôi cũng chỉ chăm chú làm xong phận sự rồi tỷ tê nói chuyện với giáo viên, với các bé hoặc lần mò đi quan sát xung quanh, chi tiết ghi vào bộ nhớ nhưng cái bản năng chụp ảnh vốn không có, tay chân đắc lực như Thắng, như Toàn thì lần này chẳng đi cùng nên chẳng cậy được vào ai. Thôi đành mời bạn đọc chay một lần vậy 🙂 Cáo lỗi trước với bạn nếu bạn là người thích hình ảnh hơn thích đọc 🙂

Chuyến đi lần này lên xã Măng Buk (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) mới chỉ cho tôi thấy một phần nhỏ của Tây Nguyên, nên tôi chẳng dám nói chung về Tây Nguyên hay về Kon Tum, chỉ nói dám nói riêng ấn tượng của mình về Kon Plong. Không biết cảm nhận của tôi sau này có thay đổi không, nhưng chuyến đi tới Kon Plong lần này không giống như hình dung ban đầu của tôi về Tây Nguyên nói chung và Kon Plong nói riêng.

1. Thiên nhiên Kon Plong: Tôi đã nghe và đọc nhiều về nạn chặt phá và hủy hoại rừng ở Tây Nguyên, có lẽ tại tính tôi cũng hay bi quan, nên trong tâm thức đã chuẩn bị sẵn chờ những mỏm núi trọc, những sườn núi sạt lở trần trụi…, nhưng trái lại, tôi mấy lần phải ngẩn ngơ vì màu xanh mướt mắt của núi rừng ở Kon Plong. Xem bạn có giống tôi không nhé.

Nhờ rừng còn được như thế, gia đình học sinh ở Măng Buk ngoài 1 vụ lúa trong năm, hầu như đều sống dựa vào rừng cả. Họ lên rừng hái lá kim cương, đào sâm ngọc linh về bán. Thầy Thủy (hiệu trưởng Tiểu học – Mầm non Măng Buk 1) kể với tôi rằng người dân ở đây hầu như ít di cư sang vùng khác lắm, bởi họ không thạo kỹ năng gì hơn kỹ năng đi rừng. Cái vụ lúa độc nhất trong năm ở Kon Plong cũng rất đặc biệt, lúa là lúa nước, nhưng do ruộng thường có suối chảy qua, nước thau ruộng thường xuyên nên không thể bón phân gì được. Giống lúa ở đây không cho loại gạo ngon nhất nhưng chắc chắn cho loại gạo tinh khiết nhất, bởi nó không cần phân bón, lại kháng rầy một cách tự nhiên nên cũng chẳng cần thuốc trừ sâu. Ngặt nỗi mỗi năm có đúng 1 vụ nên những xã có cánh đồng rộng lớn như Măng Buk thì còn đủ gạo ăn (cánh đồng Măng Buk là cánh đồng lớn thứ 3 toàn khu vực Tây Nguyên), chứ những xã không có nhiều đất ruộng như Dak Ring thì gạo chỉ đủ ăn có 3 tháng trong năm mà thôi, 9 tháng còn lại cái đói thường trú ở nhà học sinh. Nói cho công bằng, cũng không phải đồng ruộng xã Dak Ring cho sản lượng thấp thê thảm đến vậy, nhưng đến vụ thu hoạch, nào chim, nào chuột, nào khỉ ra phá phách ruộng lúa, giành giật thành quả với con người, cho nên lượng thu hoạch bị hao hụt rất nhiều. Người dân ở đây còn trồng sắn, nhưng tôi không kịp tìm hiểu do tập quán hay do đặc thù thổ nhưỡng, sắn trồng 2 năm mới nhổ được củ, cho nên dù không phải bón phân, phun thuốc hay chăm sóc gì cả, cũng không cứu đủ cho 9 tháng thiếu gạo.

Trên con đường từ trường Măng Buk 1 vào trường Măng Buk 2, xe máy chạy qua những khe núi hẹp có những cây lớn đổ vắt ngang trên đầu, tưởng bị ai đốn lấy gỗ, hóa ra là đổ do mưa gió. Cảnh rừng lúc ấy thật là đẹp, nếu đừng có để ý đến cái mặt đường lở lói ở bên dưới, chỉ nhìn chéo lên sườn núi, cảnh đẹp như thể trong tranh về rừng Nga của Shishkin vậy. Thầy Linh, người chở tôi, còn rất trẻ, thấy tôi xuýt xoa khen đẹp, hứa là trên đường về sẽ dừng lại cho tôi chụp ảnh. Chẳng may lúc về bị cơn mưa đuổi sau lưng, hai chị em cắm đầu cắm cổ chạy đâu có dám chụp gì nữa 😦 Thắc mắc với thầy là ai được quyền lấy những cái cây ấy về đun (rõ cái đồ thành phố thực dụng 🙂 ) thầy bảo, chẳng ai buồn lấy đâu chị ạ, ở đây bước ra là có củi đầy ấy mà.  Tôi thấy ngậm ngùi thương những em bé ở Mường Khương, Bát Xát (Lào Cai) hay Văn Chấn, Mù Căng Chải (Yên Bái) phải cặm cụi  đi rõ xa để kiếm củi về trường đun nấu. Thật là một ưu việt của Tây Nguyên so với Tây Bắc!

Ở Kon Plong nhiều suối vô cùng. Chỉ chạy trong xã Măng Buk thôi mà tôi đã không đếm nổi số cầu treo mà tôi qua. Với cái lũ nông dân cày đường nhựa như chúng tôi thì chạy xe máy qua mấy cái cầu treo chênh vênh lắc lẻo ấy là đã đủ sợ mất mật, nhưng học sinh ở Măng Buk đi học thì có em nhà ở hướng không có cả cầu treo mà đi qua, cứ thế lội ngang qua suối đến trường. Cô giáo Hiền kể, có hôm thấy học sinh đến trường ướt lướt thướt đến tận ngực, cô hỏi tại sao, học sinh trả lời tại đang qua suối thì mưa rừng ở đâu đó, nước về nên suối dâng cao,  mọi khi chỉ quá gối lúc ấy có chỗ lên quá ngực vẫn phải qua thôi. Cô giáo xót học trò trào nước mắt: “Thôi lần sau nước cao thế con về nhé, không phải đến trường đâu.” Học trò ngập ngừng: “Nhưng trở về cũng phải qua mấy con suối, nước cũng cao như thế, con cũng sợ lắm cô ạ, thôi thà đi tiếp đến trường còn hơn…”

Không phạm quy của Mẹ Còi đâu, kể lể mấy chuyện này lòng thòng lắm, hẹn bạn kỳ sau kể tiếp ạ 🙂

8 thoughts on “Ấn tượng Kon Plong (1)

  1. Đọc xong bài cua STC thấy thường các cháu quá cứ tưởng chỉ ở miền núi Tây Bắc trẻ con mới khổ, hóa ra trong Tây Nguyên còn khó khăn hơn… Lại thấy hừng hực khí thế rồi STC ạ

    • Mỗi nơi khó khăn một kiểu bà sui ạ. Trẻ con Tây Nguyên khác Tây Bắc là không có mùa đông rét thấu xương, đông máu nhưng lại có mùa mưa kéo dài khiến có vùng gần như bị cô lập. Còn thì đến đâu cũng cảnh chân trần, quần rách, áo hở như nhau cả thôi. Thật khó nói chỗ nào khó hơn chỗ nào 😦

  2. Tự nhủ lòng là cứ yên tâm ngồi nghe kể chuyện…thế rồi vẫn thấy xót xa cho cảnh các em lội suối đi học…
    Mình đi theo từng con chữ của Sống Chậm, hình dung được núi rừng hùng vĩ Tây nguyên.

    • Đi thì thấy xót xa, nhưng nghĩ lại thấy nghị lực của những em bé Tây Nguyên ấy thật phi thường nếu so sánh với mấy con gà công nghiệp bọn mình nuôi nhốt ở thành phố Hương ạ. Đấy là thế mạnh của cuộc sống đơn giản giữa núi rừng, chắc chắn bản lĩnh sống của những em bé nơi ấy là điều mà các bé thành phố không bao giờ có được.

Bình luận về bài viết này