Ấn tượng Kon Plong (8)

Tác giả: Sống Thật Chậm

Đêm duy nhất ngủ lại Măng Buk, tôi giành phần sang ngủ ké cô giáo H., bạn thân thời phổ thông của An, một trong những cơ duyên đưa chúng tôi đến với trường Măng Buk 1 này, để còn tranh thủ nói chuyện.

Cô H. mới mang thai đứa con đầu lòng được mấy tháng. Chồng cô là bạn học cũ, nay làm bộ đội chuyên nghiệp, đóng quân ở một huyện phía đầu bên kia của tỉnh Kon Tum. Tiếng là vợ chồng ở trong 1 tỉnh, nhưng là cách xa nhau mấy trăm cây số, cứ phải 2 tuần mới tranh thủ thăm nhau được một lần.

Tôi hỏi cô về chuyện khám thai, ở nơi xa xôi như thế này, đường đi lại xấu, xóc thôi đã đáng ngại, ngã là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào, cô xoay sở làm sao với chuyện theo dõi cái thai. Cô cười nhẫn nại: “Dựa vào nhau mà sống thôi chị ạ, em toàn phải nhờ các anh lớn tuổi ở đây chở ra huyện khi cần, biết làm thế nào được, chỉ cố cẩn thận hết sức thôi.”

Theo H., một trong những việc khó khăn nhất ở đây là thuyết phục phụ huynh cho con đi học. Việc ấy đòi hỏi một sự kiên nhẫn ghê gớm, mà không phải luôn lúc nào cũng thành công. Có lần trong mấy tháng liền, tuần nào H. cũng đến nhà một người dân để vận động người cha cho con tới trường, ông ấy thoái thác bằng đủ các loại lý do, cuối cùng thấy cô giáo kiên trì quá, ông xẵng giọng bảo: “Cho đi học cũng được, nhưng thế thì ai chăn trâu, cô lên đây chăn trâu cho tôi rồi tôi cho nó đi học…” 🙂 Cô đành về nói với thầy hiệu trưởng: “Em trả lại trường hợp này cho anh đấy, em chịu rồi.” Tôi không dám hỏi tiếp xem rồi đứa bé ấy có được đến trường hay không.

Mới được vài ba câu chuyện thì cô nhận được điện thoại của chồng, tôi quay mặt vào tường nhắm mắt lại để cô có chút riêng tư tối thiểu trong không gian chật hẹp ấy. Câu chuyện rầm rì của đôi vợ chồng trẻ khiến tôi nhớ lại những ngày một mình nuôi hai con nhỏ để chồng đi học xa. Cũng anh/em hôm nay làm gì, ăn gì, thời tiết ở đấy thế nào, có nhớ uống sữa/uống thuốc chưa, v.v. và v.v… Những cập nhật qua điện thoại như kéo hai đầu thương nhớ lại gần với nhau hơn. Khi ấy ở giữa thành phố đầy đủ tiện nghi, mọi bất trắc đều ở mức tối thiểu, vậy mà đôi lúc tôi như bị nỗi cô đơn nhấn chìm, không sao thở được, không sao quân bình được. Vậy mà người con gái mảnh dẻ này vẫn thu xếp cuộc sống, làm mọi công việc với sự bình thản, nhẹ tênh như không. May nhờ có các mạng điện thoại di động khuyến mại nên vợ chồng cô còn được tâm sự hàng ngày mà không phải lo ngại về chi phí.

Sáng hôm sau, trong lúc chờ thầy Th. thu xếp công việc trước khi đưa tôi đi Đăk Ring, tôi kề cà nói chuyện với một bà mẹ trẻ khác, một cô giáo đang nuôi đứa con mới hơn một tuổi ngay tại trường. Tôi hỏi cô khi đứa nhỏ ốm đau thì cô sẽ làm thế nào, vì đưa một đứa trẻ đi cấp cứu hay đi khám bệnh ở nơi này là chuyện vô cùng khó khăn. Câu trả lời cũng giống như của H.: “Khi nào thật cần, các anh giáo viên lớn tuổi sẽ giúp chở hai mẹ con đi. Còn thì em tự lo lấy. Em mua sẵn thuốc và khi cháu ốm đau vặt vãnh, em phải tự trị lấy thôi.” Tôi thắc mắc là xã lớn thế này không có trạm xá hay sao, cô nói rất thật thà: “Có chứ chị, cách trường có chút xíu thôi, nhưng mà y sỹ ở đây là người dân tộc, chỉ học hành rất sơ sài, nói thật là bọn em chẳng dám tin cậy, ngay cả người dân sở tại nhiều khi cũng phải cố ra huyện, lên tỉnh chữa chứ ai dám đưa vào trạm xá xã đâu…” Tôi lại hỏi cô, khi đứa trẻ lớn hơn, nó sẽ ở đây với vợ chồng cô hay sẽ về với ông bà nội ngoại. Cô nói cho tôi nghe điều mà tôi từng nghe ở rất nhiều nơi, từ rất nhiều người trong hoàn cảnh tương tự: “Gửi về cho ông bà nuôi giúp thôi chị ơi. Bọn em chỉ có thể giữ con bên cạnh khi còn nhỏ, đến tuổi đi học thì phải gửi ông bà để cháu được sống và đi học trong điều kiện tốt hơn. Xa con thì nhớ nhưng bắt cháu sống và đi học trong điều kiện như thế này thì không nỡ chị ạ…”

Những câu chuyện nho nhỏ như thế này cứ ở lại mãi trong tôi, kể ra với bạn không biết để làm gì nhưng không thể không kể. Ước gì trên đời này ta luôn có được câu trả lời hay giải pháp cho mọi vấn đề mà mình thắc mắc hay quan tâm.

Phù, kết thúc loạt bài này ở đây. Cám ơn mọi người đã kiên nhẫn đọc những bài dài lòng thòng mà chẳng có tý hình ảnh nào như thế này. Mẹ Còi có lần bảo “nhìn thấy bài của mày đánh số là sợ chết khiếp” 🙂

8 thoughts on “Ấn tượng Kon Plong (8)

  1. Cảm ơn Soái Mẹt nhiều, chị biết viết bài tốn thời gian thế nào, và cũng biết “cường độ” hoạt động hàng ngày của em (đặt đồng hồ nhắc phải đi ngủ, rồi lại đặt chuông để dậy làm việc… cơ mà), vậy mà vẫn đi và viết được đầy đủ thế này. Đọc những gì em viết thấy vừa thương, vừa cảm phục những thầy cô giáo ở những nơi khó khăn ấy, nếu không phải là mình đã đến tận nơi, gặp người thật, nhìn thấy việc thật thì cứ thấy những chuyện này như trong tiểu thuyết vậy.

  2. Cám ơn Sống Chậm về những bài viết, vì nếu không có thì không cách gì những người ở xa như mình hiểu được (dầu chỉ phần nào) cuộc sống khó khăn của các thầy cô. Dầu rằng hiểu được thì chúng mình cũng không thể làm được gì cải thiện đìều kiện sống nơi ấy!!! Nhưng với mình thì những hiểu biết này làm mình thêm tha thiết với việc “lê mẹt”, giúp học sinh được chút nào thì an ủi các thầy cô được chút ấy…

    • Càng đi nhiều, thấy nhiều, công việc của bọn mình mới càng đi vào thực tế hơn Hương ạ. Hồi trước bọn mình đã định thôi không thu gom đồ cũ cho người lớn nữa, vì đồ mang cho các cháu nhiều lắm, mỗi lần đi lo vụ chuyên chở cũng đủ mệt rồi, nhưng lên gặp những chuyện như thế này, bọn mình lại thu gom đồ người lớn. Mất thêm một chút công thôi, nhưng đem lên, các thầy cô có cái để mang đến nhà cho cha mẹ mỗi khi phải đi vận động cho các cháu đến lớp. Những việc GHX mình làm có nhiều ý nghĩa lắm Hương ạ, thế nên ở nhà thì nghĩ bụng “thôi nốt chuyến này nghỉ một thời gian rồi làm tiếp”, nhưng cứ lên đến nơi là bọn mình đã lại lập kế hoạch luôn cho chuyến tới rồi.

  3. Khi đọc những câu chuyện nho nhỏ mà bạn kể ra, mình càng khâm phục các thầy cô giáo nhiều hơn, và cảm thấy những gì anh em, bạn bè mình làm chỉ là 1 chút chia sẻ nào đó thôi.
    Cảm ơn loạt bài viết đi và kể của Thủy. Chúc các bạn luôn nhiều sức khỏe, có thêm nhiều bạn đồng hành.

Bình luận về bài viết này