Tây Bắc – Những ngày khó quên (4)

Bài viết của Mẹ Mốc (tình nguyện viên)

Ngày 4:

Buổi sáng ở vùng cao thật thanh bình. Trời trong veo, không khí mát mẻ, thoáng đãng, mấy chú ỉn đen chạy tung tăng ngoài sân trường. Mình chẳng bao giờ là người dậy đầu tiên, mở mắt ra đã thấy Sống Chậm và mấy bạn khác dậy từ lúc nào!

Việc đầu tiên đương nhiên lại là chuẩn bị bữa ăn sáng. Mì hộp, thịt hộp, dưa chuột.. lại là những thứ bọn mình cần xử lý. Các cô giáo đem chú chó trường nuôi xích ra một góc, mình đem mấy hộp thịt ra để cho bạn cún làm sạch. Sau khi loay hoay làm một hồi, mình rất ngạc nhiên khi nhận thấy không phải bạn cún giải quyết mấy cái hộp mình bỏ ra mà là đàn lợn ỉn chũn chĩn đang hăng hái liếm mấy hộp thịt sạch bóng! Ái chà, hóa ra lợn trên này chẳng giống gì với những chú lợn ở miền xuôi, khái niệm lười và ì như lợn chẳng thể áp dụng được với mấy bạn ỉn đen, sệt bụng mà chạy nhanh thoăn thoắt ở đây đâu nhé! Lần này bạn Lana có sáng kiến làm thêm món cơm rang. Với thế hệ tuổi như mình, cơm rang đã từng là món ăn truyền thống cho các bữa sáng suốt cả thời thơ ấu. Ngoài ra, anh Hùng còn mang theo cà phê tan, thế là tất cả ai cũng có được một bữa sáng thỏa thuê, chất lượng chẳng khác gì ở nhà. 

Bọn mình phải gói ghém đồ đạc để còn lên đường đi tiếp. Sau bữa ăn là phải chia tay các cô giáo và lên đường làm nốt công việc còn lại. Cũng như lần trước, mỗi xe hôm nay lại tiếp tục lên đường đi tiếp đến những điểm trường còn lại để mang quà cho các em bé và gặp gỡ các thầy cô giáo. Hôm nay xe của mình đi tiếp lên Trà Phà và Nhìu Cồ San, hai nơi nằm rất xa điểm trường chính. 

Các em bé MG Sàng Ma Sáo vẫy tay tiễn bọn mình

Ba ngày đi trên đường mình đặt lòng tin tối đa vào tay lái của Toàn, khá nhiều lần mình tự đặt câu hỏi rằng nếu mình hay anh chị mình là người ngồi sau vô lăng thì không biết bản thân nằm ở đâu rồi, nhất là những lúc phải quay đầu xe! Lái xe đường núi khác hẳn lái xe đường đồng bằng: đường hẹp, xóc, xe lại dài, có những lúc cua xe mình có cảm giác như một bên đầu xe đã chìa ra bên ngoài bờ vực. Trên đường đi, thay vì sắc hồng của những cây hoa đào như ở Mường Khương, bọn mình nhìn thấy rất nhiều cây phủ đầy hoa trắng. 

Đã đến lúc phải xuống khỏi xe ô tô. Tại điểm dừng xe, có một cây hoa trắng dáng cổ thụ nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Ba thầy cô giáo đã đứng chờ đón chúng mình lên điểm trường Trà Phà.  Nhờ các thầy cô mình mới biết loài hoa trắng đang thu hút sự chú ý của bọn mình suốt dọc đường đi là hoa táo mèo. Công việc đã sắp hoàn thành, thời gian không còn là áp lực lớn lắm như mấy ngày đầu nữa, cả Minh, mình và Thắng đều tranh thủ lấy máy ảnh ra bấm, mình và Minh tranh thủ làm người mẫu bên cây táo mèo. Minh còn đoán khéo chỉ một vài năm nữa thôi Hà nội sẽ có mốt trưng cành táo mèo trong nhà vì cái cây quá đẹp!

Đường đi với những cây táo mèo toàn hoa trắng

Sau chuyến đi lên Tung Quang Lìn hôm trước, Thắng cực kỳ tự tin với tay lái của mình trên đường núi nên giành quyền cầm lái chở Minh, một cô giáo được cử ở lại “trông xe” cùng với Toàn. Thật lòng chuyến đi “kẹp đôi” chiều qua đã để lại một ấn tượng rất mạnh với mình, tự nhiên mình phát hiện ra là mình đang thấy hơi… sờ sợ! May quá mà quãng đường lên Trà Phà không dài, nếu không thì cũng hơi đau tim đấy! Trường Trà Phà nằm cao hơn hẳn xung quanh.  Trèo lên được đến cổng trường, bọn mình ngạc nhiên không  hiểu vì sao lại có mấy cây tre chắn ngang, các thầy giáo giải thích phải chắn vậy để không cho ngựa vào phá trường! Giữa sân trường là một cây cột tre, mình chưa kịp hỏi thì thầy giáo đã thanh mình: “Gió to quá, cột cờ gẫy bốn lần rồi, bọn em chưa trồng lại được!” Một lần nữa mình lại tự hỏi: “Mấy hôm nay ấm áp, thời tiết đẹp mà gió còn bẻ gẫy cả cột cờ, vậy những ngày thời tiết xấu, mưa bão thì không biết thầy cô và bọn trẻ con học thế nào?” 

Cổng trường Trà Phà

Nhóm mình lại chia làm hai, mình và Minh vào chia quà cho mẫu giáo, Sống Chậm và Thắng sang bên tiểu học. Đang trong giờ học nhưng vẫn có vài phụ huynh đứng bên ngoài cửa nhìn vào lớp xem các con học. Có một bé chừng độ hai tuổi theo anh đi học đang ngồi rất ngoan nhưng thấy có người lạ vào, rồi lại thấy bóng bố đứng ngoài cửa liền khóc òa, dỗ thế nào cũng không được. Bọn mình mặc áo cho từng bé trong lớp. Nhìn thấy áo mới, cô cậu nào cũng cười tươi, nhưng quả thật mặc áo cho bọn nó chẳng dễ tí nào. Có nhiều đứa mặc rất nhiều áo, cởi mãi chẳng được, cho dù hôm nay trời nắng nóng. Cô bé theo anh vào lớp học cứ khóc mãi không ngừng, cho dù bọn mình dùng cả bánh kẹo, bánh mì hay áo mới dỗ cũng chả có tác dụng. Cuối cùng cô giáo phải mời bố của bé vào thì bé mới nín. Thế là suốt trong quá trình bọn mình phát quà và nói chuyện với bọn trẻ, có một “học sinh” lớn đùng tham gia, cùng cười, cùng chia xẻ niềm vui với con của mình và bạn bè chúng. Trông lũ trẻ mặc áo mới, ôm quà cười hớn hở thật thích mắt. Tội nghiệp, số  áo cotton bọn mình được tài trợ làm quà lần này nếu đúng theo thiết kế là giành cho các em bé từ độ một tới hai tuổi, vậy mà lũ trẻ mẫu giáo ở đây mặc được hết. Trông đứa nào cũng xinh xắn, má hồng (nếu đừng quá lem luốc – nước ít nên hình như ở đây bọn trẻ con ít tắm rửa) nhưng rất bé, bế lên tay thấy nhẹ bỗng. 

Trước khi chia tay, bọn mình chạy qua thăm chỗ ở của các thầy cô giáo. Hàng tuần các thầy cô mới đi chợ được một lần, vậy là đầu tuần thì còn có thức ăn tươi, nhưng tới thứ năm thứ sáu thì phải ăn đồ hộp và thức ăn khô, các cháu cũng vậy. Các thầy cô cũng đã làm chuồng định nuôi gà, nuôi lợn, nhưng rồi chẳng thể chăn nuôi được gì vì không có ai chăm nom chúng thứ bảy chủ nhật. Trồng trọt cũng vậy, sau hai ngày nghỉ cuối tuần, khi các thầy cô trở lại trường thì có chút rau nào cũng bị gà và ngựa vào phá nát. Các em mời bọn mình ở lại ăn cơm, nhưng còn một điểm trường nữa bọn mình phải tới nên đành phải từ chối. Vả lại, trong chương trình bọn mình không tính tới việc ở lại ăn ở bất kỳ điểm trường nào nên không mang theo thực phẩm, nếu các em phải chia xẻ phần thực phẩm mua cho cả tuần mời năm đứa bọn mình thì khéo tới cuối tuần các em chẳng còn gì mà ăn mất thôi! 

Điểm cuối cùng phải tới là Nhìu Cồ San. Lần này thì xe ô tô có thế lên tới tận gần cổng trường nên Toàn có thể đi cùng bọn mình. Mấy ngày vừa qua Toàn cứ phải ngồi trông xe suốt, chắc cu cậu buồn lắm!  Có lẽ đây là nơi cao nhất trong số nhưng điểm trường bọn mình tới.  Biển tên trường Trà Phà còn được tô phấn trắng làm nền nên chụp hình lên còn đọc được chữ, còn biển tên trường Nhìu Cồ San chỉ được viết bằng phấn đỏ trên ván gỗ nên rất khó đọc. Từ trên sân trường nhìn ra xa bỗng thấy mình thật nhỏ bé trong không gian rộng đến không chừng, giữa mênh mang trời xanh ngắt, đất và đá!  Tất cả bọn mình đều say sưa nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, Sống Chậm bỗng trở lặng lẽ bất ngờ, đứng trầm ngâm nhìn ra xa tít tắp. Chẳng ai biết được bạn ấy đang mơ mộng điều gì hay nhớ tới ai, bọn mình nháy nhau rút máy ảnh định kiếm lấy một bức “chân dung đặc tả” mà không may bị phát hiện, thế là lỡ cơ hội chớp được một bức hình tư liệu đắt giá!

Phong cảnh nhìn từ Nhìu Cồ San

Một trong những điều mình rất thích khi giao lưu và phát quà cho các em bé là bé nào cũng rất thích được chụp ảnh. Ban đầu thì bọn nó còn e ngại, nhưng rồi tính tò mò đã chiến thắng sự e dè, thấy máy ảnh là cười. Mình tiếc là chỉ có mỗi một máy ảnh nên không thể chụp được hình ảnh bọn trẻ cười như nắc nẻ khi nhìn thấy mình trên màn hình. Chúng nó chụm đầu vào ngó rồi ngẩng lên chỉ vào bạn cười khanh khách, ríu rít nói gì đó bằng tiếng dân tộc, mình đoán là bọn nó bảo nhau: “Thấy cậu rồi đấy nhé, hê hê!”. Gió ở đây còn mạnh hơn Trà Phà, chắc tại cao quá, xung quanh lại trống trải. Mình đứng ngoài cổng trường chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm, gió thổi lồng lộng, nhìn lại bức hình thấy mình giống Meduza quá đi, tóc dựng hết cả lên vì gió!

Thế là chúng mình đã hoàn thành công việc. Giờ thì có thể “tự thưởng “ cho bản thân được rồi.  Trên đường đi bọn mình đã “tăm” được một khúc suối rất đẹp, Soái Mẹt “duyệt” cho mọi người xả hơi. Minh và Thắng ôm máy ảnh ‘tác nghiệp”, mình chỉ có cái máy ảnh du lịch, chẳng dám đua với các bạn ấy. Tuy thế, mình vẫn chụp được tấm ảnh Minh đang ngồi “nghịch nước” khá đẹp, tất nhiên vẫn phải nhớ là nhờ “người mẫu” pose hình rất sành điệu nữa -))  Mấy chị em còn rủ nhau cùng ngồi “khua chân” dưới nước, một dịp hiếm hoi Soái Mẹt nhà mình chịu để máy ảnh chĩa mình mà bấm. Thắng còn đặt máy ảnh chế độ tự động để cả nhóm có được tấm hình chung làm kỷ niệm. Bạn ấy cứ nhảy qua nhảy lại mấy tảng đá để đặt máy ảnh và cùng chụp hình làm cho bọn đàn bà mấy lần hết hồn: đá khá trơn, chẳng may trượt một cái khéo mà phải xuống tận Mường Hum mới tìm được mất!

Theo kế hoạch cũ thì mình, Minh và Thắng sẽ lên tàu về Hà nội tối nay, còn Toàn và Sống Chậm sẽ ở lại, sáng mai túc tắc lái xe về lại Hà nội. Tuy thế, khi mọi việc đã xong rồi thì chẳng ai còn tâm trí nào để ở lại thêm nữa, Sống Chậm quyết định đi về luôn, bạn ấy chỉ ngại mỗi chuyện ông xã không bằng lòng để bạn ấy đi xe về ban đêm. Tuy ngại thế nhưng  cô em tôi khéo lắm, em gọi về nói chuyện với ông xã, kể rằng xong việc sớm, giờ đang trên đường rồi, hay là em đi về nhé? Thế là ông xã ở nhà “cắn câu” liền, ai mà chả mong vợ đi về sớm, cô em đạt được mục đích là ông xã đã ủng hộ để em về, tự anh nói ra cơ mà, hết cơ hội càm ràm sau này! Bọn mình cũng được thể “đắc lợi” luôn, không tên nào phải ngồi ở Lào Cai chờ đến tối mới lên tàu về nữa, cả xe mình sẽ vẫn giữ nguyên được “tinh thần đồng đội” từ lúc đi cho tới tận lúc về lại Hà nội!  Bọn mình bỗng phát hiện ra là hội này có vẻ như khá hợp nhau. Tính từ đầu chuyến đi cho tới giờ, kể từ lúc có tin xe tải bị lật, cả đám cùng nhau nín thở, rồi suốt dọc đường đi luôn thường xuyên cùng nhau im lặng vô lý do, cùng nhau cười ồ lên mỗi lúc có chuyện gì vui, rồi mỗi khi “buồn miệng” lại cùng nhau “tóp tép”. Từ đấy, ý tưởng hình thành Liên Mẹt Tóp tép đã thành hình. Dấn vốn ban đầu Mẹt đã có được hơn chục triệu tiền các bạn đồng nghiệp cũ của mình mới ủng hộ, thế là cũng “xôm” rồi, các “đồng Mẹt chủ” này sẵn sàng để gom nhặt thêm để ủng hộ cho chuyến đi lần tới.

Bữa ăn trưa ở Mường Hum hôm nay có cả mấy cô giáo cùng tham gia! Có lẽ cô giáo ngồi cùng bàn với mình (phải thú thật là mình không nhớ được tên của cô) vô cùng bất ngờ khi thấy các anh chị “đánh chén” nhanh quá, thành tích 4 đĩa rau hôm trước suýt nữa lặp lại! Cuối bữa ăn bọn mình mới phát hiện ra một “tài lẻ” của anh Tuấn HAT là có thể “kiếm” được mật ong về để bán đấu giá trên blog Gánh Hàng Xén!  Bỗng nảy ra một nỗi lo rằng từ chuyến tới, khéo các tình nguyện viên nữ sẽ không được Soái Mẹt chào mừng trong mỗi chuyến đi nữa, bởi từ gương của anh Tuấn, chỉ các Bang chủ hay tình nguyện viên nam mới có tác dụng kiếm “sản vật” về cho Gánh, và còn rất nhiều “khảo dị” của chiến công của anh Tuấn được đưa ra khi trí tưởng tượng bay cao! Cái quán nhỏ ở Mường Hum tưởng chừng nổ tung được vì tiếng cười của cả đoàn bọn mình! Lâu rồi mình mới có dịp cười một trận thỏa thuê đến thế, ruột gan lộn tung, nước mắt giàn rụa! Rời quán, bọn mình lại lên xe ô tô, trong lòng náo nức chỉ muốn về nhà. Sống Chậm và Minh ngồi nhẩm tính rằng quá nửa đêm sẽ về tới nhà, sẽ có cả buổi sáng để nghỉ ngơi thư giãn để thật xinh đẹp đợi các đức ông chồng đưa đi ăn nhà hàng vào buổi tối nhân ngày 8/3. Toàn và Thắng im lặng, đàn ông ít chia xẻ mà, nhưng chắc chắn bạn nào cũng đã thủ sẵn trong đầu một kế hoạch “nịnh bà xã” ở nhà, đi xa mấy ngày cơ mà, lại còn về đúng vào 8/3 nữa!   

Bọn mình “buôn chuyện” gần như suốt cả đường về. Soái Mẹt kể rất nhiều chuyện vui về bản thân và gia đình. Bạn ấy làm cho mình và Minh thèm học làm bánh quá đi mất! Mình vốn dốt nát về nấu nướng nhưng nghe bạn ấy nói còn nổi hứng tự đề ra kế hoạch về nhà sẽ làm món này món nọ chứ đừng nói tới Ngọc Minh, vốn được tiếng vợ hiền mẹ đảm trong văn phòng mình. Ban đầu mọi người tính rằng dọc đường Thắng sẽ lái giúp Toàn một vài đoạn cho đỡ mệt, nhưng khi nghe Thắng nói mỗi năm lái xe một lần vào dịp Tết là Soái Mẹt đổi ý liền, suốt dọc đường nói chuyện như sáo để giữ cho bạn Toàn khỏi buồn ngủ và nhắc dừng lại nghỉ chứ không lần nào giục Toàn đổi lái cho Thắng.

Khoảng một giờ sáng là xe mình về tới Hà nội. Lúc này trời lại mưa, kiểu mưa phùn mau hạt như đã quen thuộc suốt từ Tết cho tới bây giờ, chỉ có mấy ngày trong chuyến đi vừa rồi là thời tiết đẹp: ấm nóng và có nắng, bọn mình may quá là may luôn!

Toàn đưa Sống Chậm về rồi lại đưa mình và Minh về nhà, may mà bạn ấy gửi xe gần nhà mình nên mình cũng đỡ áy náy. 

Mình mở cửa, bước chân vào nhà là đúng 2h sáng, con trai đang ngủ say trên giường, má phính hồng. Tỉnh dậy  chắc chắn cu cậu sẽ sướng lắm khi nhìn thấy mẹ! Cứ ngủ ngoan, nhóc à, sáng mai (à quên, sáng nay) mẹ sẽ đưa nhóc đi học chứ không phải nhờ ông nữa, vậy là vui rồi, phải không con?

20 thoughts on “Tây Bắc – Những ngày khó quên (4)

  1. Mấy bữa nay sao gửi còm hay bị lỗi!
    Các Mẹt chủ cứ xuyên tạc vụ mật ong làm tui sợ hết hồn. Sợ nhất là bữa trưa ở Mường Hum. Liếc mắt xung quanh thấy mấy người dân tộc họ ngơ ngác không hiểu vì sao tự nhiên “đám người xuôi” lại cười như phá nhà.

    • Anh HAT ơi, em có xuyên tạc gì đâu? Em chỉ kể lại hiện tượng thôi mà! Lâu lắm rồi em mới được một bữa cười như bữa ở Mường Hum đấy. Mà em đăng ký một chai mật ong từ hôm đó mà về nhà chả thấy đâu đây! Chả lẽ phải chờ tới chuyến tới lại phải nhờ anh mới có, hu hu, lâu quá!

      Hôm trước đưa con trai đi có vui ko anh?

    • @Trăng: Trăng mà ở bên này chắc chắn Lana kéo Trăng đi rồi. Khi đó sẽ chẳng “một chuyến” đâu, bởi đi một chuyến rồi là mắc nghiện luôn (mấy tên ở đây đều thế cả đấy).

  2. Tối về nhà đọc lại, thấy thấm thía đoạn cuối có mẹ về nhà bên con trai (hẳn con còn bé lắm nên ông phải đưa đi học), thật là ấm áp…

    • Con trai 11 tuổi rồi nhưng vẫn phải đưa đi học hàng ngày (chuyện thường ngày ở HN đấy), thường thì mẹ đưa đi hàng ngày, khi nào mẹ đi vắng thì phải nhờ người khác. Cu cậu tròn nên đến giờ má vẫn phính.

    • à nhỉ, con mới 11 tuổi thì vẫn phải cần đưa đi học, nhất là trường ở xa thì lại không thể đi bộ Mẹ Mốc nhỉ. Nếu như trường gần nhà chừng 5 hay 10 phút đi bộ thì có an toàn cho con đi bộ đến trường không Mẹ Mốc nhỉ?

    • Hương ơi, trường gần thì cũng tùy từng nơi mới dám cho trẻ con tự đi bộ đi học. Nếu nhà ở khu vực an ninh tốt, đường xá ko quá đông thì con độ 11, 12 có thể tự đi bộ được, nếu ko có nhiều chỗ phải qua đường. Trên thực tế thì hầu như các bạn bè của mình đều phải tự chở con đi học, hoặc nhờ người nhà (hoặc thuê xe ôm) đưa con tới trường vì giao thông ở HN lộn xộn lắm. Nói tóm lại, cái sự học hành của đám con nít ở đây phức tạp và mệt mỏi nhiều bề!

  3. May qua chi di co 4 ngay chu di 1 tuan nhu chuyen vua roi, thi chac la Me Moc “toat mo hoi” de hoan thanh ky su mat…. (just kidding) cam on chi nhieu nhe, moi lan doc lai ma lai muon di tiep 🙂

    • Đi một tuần như chuyến Hà Giang vừa rồi thì hai tháng nữa chưa chắc đã có bài để gửi đăng! Mẹ Còn rất cẩn thận, phải nhận được đủ 4 bài mới cho đăng mà! Kể ra cùng thèm đi lắm rồi đấy!

  4. Mẹ Mốc viết đầy đủ quá, cảm ơn Mẹ Mốc đã viết thay giùm tụi mình cho cả chuyến đi.
    Mà, cái vụ “làm mật ong” có nên kể ra “làm thế nào” không nhỉ, hì hì 🙂

    • Cảm ơn Sapa nhiều, mọi người tham gia Gánh Hàng Xén ai cũng thương yêu các con cả mà. Mà tên bạn hay ghê cơ, mình rất thích Sapa, dù đi lên đó chơi nhiều lần rồi mà vẫn còn thích.

  5. Lúc đầu hăng hái đăng ký cầm lái đoạn đồng bằng đấy, nhưng đi cùng biết tính cẩn thận của Mẹt chủ và biết ai cũng đang muốn nhanh chóng về nhà nên cũng chẳng dám xin đổi lái cho Toản nữa. 🙂
    Chúc cả nhà ngày mới tốt lành và những ngày cuối tuần vui vẻ.

    • Nhà ngoại cũng vậy, chỉ biết nói thuội.
      Cám ơn mẹ Mốc rất nhiều, mong mẹ Mốc luôn khỏe, cây viết thật tài tình.

  6. Tuyet voi!!! Do la tat ca nhung gi minh muon noi sau khi doc het truong thien ki su cua Me Moc. Goi la truong thien nhung thu that la minh da doc lai hai ba lan moi da them:)))

    Chuc Me Moc va tat ca thanh vien cua Ganh that nhieu niem vui. Rat thuong men.

Bình luận về bài viết này