Phạm Ngọc Tiến: Chỉ là lời chúc muộn

(Bài dẫn từ blog của nhà văn Phạm Ngọc Tiến)

Vừa đi Tây Bắc 5 ngày cùng Gánh hàng xén chưa kịp tắm rửa thay quần áo thì nhận được cú điện thoại của một bạn đọc thắc mắc vì sao các blog chương trình cơm thịt chưa có lời chúc mừng 8/3 đến các cô giáo vùng cao. Cười xòa thanh minh. Nhưng không thể kìm nén khi bạn đọc này nói tiếp, biết anh bận rộn với chuyến đi mấy ngày nay nhưng nếu trong ngày 8/3 blog của anh treo lên kịp được lời chúc mừng muộn thì tôi sẽ lập tức gửi đến anh 15 triệu để giúp các cô trò ở Tả Gia Khâu, Mường Khương. Đích danh luôn. Mình biết anh bạn này vốn là một cựu binh từng đóng quân ở Mường Khương, Lào Cai dạo chiến tranh chống người nước lạ (nói thế cho nó đúng quan điểm).

Cô giáo Lan ở điểm trường Pờ Sì Ngài, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát trong bữa cơm có thịt cùng các con.

Quay cuồng vì cú điện thoại. Chưa bao giờ trong cuộc đời cầm bút mình viết trong tâm thế đặt bài vì tiền. Cũng chưa bao giờ mình thấy tiền hấp dẫn như lúc này. Cơn thèm tiền lạ lẫm dâng lên đầy cám dỗ, bức xúc và thế là mặc kệ bẩn bụi, mặc kệ mệt nhọc, mình bật máy và ngồi gõ bàn phím như điên. Đợi đấy nhé anh bạn cựu binh Mường Khương, tâm nguyện của anh sẽ được đáp ứng. Chợt nhớ lúc xe về gần đến Hà Nội thì nhận được điện thoại của cô giáo Nhẫn, hiệu trưởng Mầm Non Tả Gia Khâu, Mường Khương. Cô bảo chú Tiến ơi chúng cháu đang liên hoan ngày 8/3 đây, nhớ chú và mọi người trong Gánh hàng xén lắm. Hình như cô Nhẫn bật loa thì phải. Thấy tiếng mọi người lao xao rồi một hai ba tất cả đồng thanh hô: Cảm ơn Gánh hàng xén. Hẹn gặp Tả Gia Khâu. Cảm ơn Gánh hàng xén. Hẹn gặp Tả Gia Khâu. Mình thấy nghẹn mũi không nghe tiếp được bèn chuyển máy cho anh H một doanh nhân tham gia chuyến thứ 3 đi Lào Cai. Anh H cầm máy, chỉ thấy nói được một câu chúc mừng các cô giáo rồi im lặng. Không biết anh đã nghe được những gì nhưng thấy mắt anh đã ngân ngấn. Và mình hiểu vì sao bạn đọc cựu binh kia hối thúc chúc mừng ngày 8/3 đến các cô giáo quyết liệt đến vậy.

Chị xúc em ăn trong bữa cơm trưa có thịt.

Đơn giản thôi anh, các cô giáo vùng cao trước hết là những cô gái rất trẻ. Trẻ như con cái bọn mình. Trong chuyến đi mình đã leo tướt bơ mới lên được đến đỉnh của một ngọn núi là nơi đặt phân hiệu Sin Cơ của Trường Mầm Non, trường tiểu học Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Có ba cô giáo trẻ. Trẻ nhất là cô giáo Thuyết sinh năm 1990 dạy Mầm Non. Một mình cô dạy 17 đứa trẻ lít nhít. Nhà chúng ở rải rác trong núi. Đến bữa trưa mình cô xoay xỏa đun đun nấu nấu lo cho bữa cơm thịt mà chương trình của ông Tuấn triển khai. Nhìn gương mặt của cô mình chạnh nghĩ đến con gái của mình. Nếu đưa nó lên đây, liệu nó có đảm đương được công việc không. Nhà ở đỉnh núi gió cuồn cuộn thổi như lốc giật. Điện không có. Câu kéo xin được một ngọn đèn điện nước của đồng bào cho mỗi phòng học, phòng ở. Điện thủy thô sơ nên phập phù không xạc nổi cả điện thoại. May điểm trường này có nước. Ba cô giáo ở chung một phòng nhỏ nằm giường ghép. Chỉ nghĩ đêm hôm thân gái giữa đỉnh núi mình đã thấy cảm phục và ghi nhận sự hy sinh của các cô. Khi mình tỏ ra ái ngại vì với việc triển khai cơm thịt các cô giáo tự nhiên phải gánh vác thêm bao nhiêu việc. Nhưng mà vui chú ạ. Các con có cơm thịt nên đi học đều. Công sức nấu cơm chỉ bằng một phần vất vả chúng cháu phải đi vận động đưa chúng đến lớp. Ra là vậy, mình cứ dùng dằng mãi khi rời khỏi Sin Cơ và khuôn mặt trẻ măng tươi tắn của cô giáo Thuyết cứ mãi đọng trong trí não mình trên đường về. Một niềm vui tự nhiên dâng lên dâng mãi.

Thành viên đoàn Gánh hàng xén (chương trình Cơm thịt) cùng các cô giáo điểm trường Sin Cơ (cô giáo Thuyết thứ 2 trái sang hàng đứng)

Điểm trường Pờ Sì Ngài, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cũng nằm trên một đỉnh núi. Đây là vùng đa số người Mông sinh sống. Cảnh trí rất đẹp, đá phiến dựng nhấp nhô như ở cao nguyên đá Hà Giang. Mình hiểu cái đẹp có lẽ chỉ có trong ý niệm của những ai không sinh sống ở đây. Bởi như rất nhiều vùng núi khác đây là vùng đặc biệt nghèo khó. Mình cùng đoàn của Sống Thật Chậm phải đi bộ chừng 2 cây số mới vào được đến trường. Những căn lớp tạm bợ trống huơ trống huyếch. May là những ngày này Lào Cai đang nóng nực như mùa hè. Hầu hết các điểm trường của Bát Xát đều là những phân hiệu chung cho cả tiểu học và mầm non. Đây chính là một phần lý do nhân vật Sống Chậm mở gánh hàng xén để lo quần áo vật dụng sinh hoạt, học tập cho cả hai trường. Cô giáo Lan chỉ vào một người đang say xỉn cứ quay vòng lảo đảo tay xách chai rượu lảm nhảm, kể dạo cô mới lên đây nhận công tác lúc vừa ra trường. Chỉ có mỗi một mình. Vừa vào lán, thì thấy ông này cầm con dao sáng loáng đập bộp lên bàn trợn mắt trợn mũi quát tháo gì đó. Cô chưa biết tiếng, hoảng quá bỏ chạy khỏi lán, vừa chạy vừa khóc kêu cứu. Bà con đổ ra hiểu chuyện cứ cười ngất.

Anh Chí Phèo ở bản Pờ Sì Ngài và tác giả. Hai anh “Chí” của hai trường phái tửu.

Thì ra cái người đó là một anh Chí Phèo ở bản, không vợ con quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ tỉnh. Nhưng ông đó hiền lắm chú ạ. Cứ quay cuồng quanh quẩn làm trò cho bọn trẻ trêu chọc. Cô giáo Lan đã cắm bản được nhiều năm, lấy chồng và sắp sinh con. Đa số các cô đều phải xa gia đình, có chồng thì xa chồng thậm chí con cái phải gửi về cho ông bà nuôi hộ. Mình cứ nghĩ mãi điều gì khiến những người như cô giáo Lan chấp nhận vất vả sống xa gia đình và hạnh phúc có lẽ phải kiếm tìm khó khăn và rất đỗi nhọc nhằn. Tình yêu trẻ, yêu nghề thì phải rồi, ai cũng có thể nói thế. Sự mưu sinh ư, tất nhiên. Nghĩ mãi cho đến khi ở điểm trường chính Sàng Ma Sáo đêm trước khi rời Bát Xát bọn mình nhờ các cô tổ chức một bữa liên hoan của cả đoàn Gánh hàng xén cùng các cô giáo. Nhìn những khuôn mặt bừng đỏ vì chút men rượu thóc Bát Xát, nhìn những ánh mắt ấm áp quấn quýt giữa chủ và khách, nhìn ngọn núi lấp lóe ngọn lửa đốt nương và đêm trăng sánh rượi như cô đặc lại của đêm cuối đông, nghe những lời chúc chân tình mình chợt hiểu. Sự hội ngộ này của các cô cùng những người thành phố không quen biết như một cơ duyên để mình nhận ra điều rất đỗi đơn sơ nhưng bội phần vĩ đại. Các cô những công dân bình thường trụ vững ở vị trí của mình bởi các cô là những con dân đất Việt thật sự biết yêu thương cây cỏ đất đai con người xứ sở. Cảm ơn các cô giáo rất nhiều.

Trẻ em như búp trên cành. Những công dân nước Việt tương lai ở Tả Gia Khâu, Mường Khương.

Chuyến này đi, bọn mình mang theo ít thiệp mừng của nhóm Present là nhóm 3 bạn trẻ đang học trung học ở Hà Nội đã sáng kiến in postcards để bán lấy tiền ủng hộ chương trình cơm thịt. Các bạn đã ủng hộ nhiều triệu đồng từ việc làm ý nghĩa này. Nhóm đã tặng 300 cái thiệp cho Gánh hàng xén. Bọn mình mua lại những thiệp đó để tặng các cô trò. Lúc đầu mình đưa tặng thiệp cho một cô giáo trẻ. Cô bảo chú ơi ký cho cháu một chữ làm kỷ niệm. Mình viết lời chúc mừng 8/3 và ký tên họ vào thiếp. Cô hỏi chú làm nghề gì ạ. Mình bảo chú là nhà văn. Cô reo lên vậy chú phải viết cả chữ nhà văn vào đi, cháu thích lắm. Mình viết. Cô giáo bảo quý quá chú ơi, chú viết thêm cho bạn cháu. Hôm nay chị ấy đi họp. Mình lại viết. Viết tặng toàn bộ các cô giáo ở trường. Mình cẩn thận viết chữ nhà văn thật nắn nót. Lần đầu tiên mình viết danh xưng gắn vào họ tên mà không hề thấy ngượng ngùng. Lại phải cảm ơn các cô giáo đã cho mình cảm giác trọng thị nghề nghiệp này.

Viết đến đây mình thấy bộn bề quá. Có bao nhiêu điều đã thấy, đã cảm, đã nghĩ, có bao nhiêu câu chuyện từ chuyến đi muốn viết. Có bao nhiêu khuôn mặt các cô giờ đây đã trở nên thân thương với mình. Có quá nhiều điều nên mình cảm thấy chẳng biết chọn viết gì trước. Định gọi điện cho bạn đọc cựu binh Mường Khương bảo với anh chừng này được chưa thì nhận được cái tin nhắn số lạ. Mình chép nguyên văn ra đây: Chau chao chu c la mot co giao tren ta ga khau hnay chau rat vuj khi nhan duoc thjep mung cua c. Chau cam ơn chu rat nhjeu. Không có tên và mình tất nhiên chẳng biết cô giáo đó là ai. Mình đã được gặp cô chưa hay cô ở điểm trường mình chưa có cơ duyên được đến. Là ai không quan trọng. Chỉ biết đó là một trong những cô giáo đang vững vàng trên trận địa của mình. Các cô là một phần biên cương này, đất đai này, Tổ quốc này, nhân dân này.

Xin được gửi đến các cô giáo vùng cao lời chúc mừng nhân ngày 8/3. Một lời chúc muộn mộc mạc nhưng thấm đẫm tình người của rất đông những tấm lòng Việt đang chung sức cùng chương trình cơm thịt cho một vùng cao bớt đi chút ít nhọc nhằn.

Và cá nhân mình xin được cảm ơn bạn đọc cựu binh Mường Khương. Ngày mai anh có thể gửi số tiền đã hứa cho chương trình. Cảm ơn anh đã cho mình được sống lại những cảm giác tuyệt diệu của chuyến đi Gánh hàng xén vừa rồi. Cảm ơn. Cảm ơn lắm lắm…

13 thoughts on “Phạm Ngọc Tiến: Chỉ là lời chúc muộn

  1. Chu’c muo^.n ma\ kho^ng he^\ muo^.n chu’t nao. Bo*?i nhu*~ng lo*\i chu’c tu*\ ta^m thi\ kho^ng ca^\n nga\y tha’ng. Va\ ca’c co^ gia’o o*? vu\ng cao xa xo^i lu’c na\o cu~ng ca^\n -du*o*.c nho*’ -de^’n ….va\ -da’ng -du*o*.c vinh danh ma\ ha!!

    Ca’m o*n bai viet hay

  2. Chị Linh đừng buồn, chắc ai đó muốn anh Tiến “cày” ngay để kịp chúc mừng 8/3 cho các cô giáo. Số tiền này, nếu không có bài viết của anh Tiến chắc cũng sẽ được chuyển tới các cháu . Một lời ngợi khen, động viên đúng lúc là món quà tinh thần quý giá để nghi nhận sự vất vả thầm lặng của các cô giáo vùng cao nhân ngày QT Phụ nữ. Anh Tiến đã làm được việc này. Cảm ơn anh rất nhiều. Trên blog của anh Tuấn đã thông báo nhận được số tiền trên. Với khả năng của chị chắc chắn chị sẽ sớm được đặt hàng để san bằng tỷ số với anh Tiến.

    • Chi Linh chua duoc “dat hang”, nhung theo y minh thi chi Linh va cac “nha van” khac cua GHX da dem lai rat nhieu co dong (kem theo rat nhieu$:)) cho GHX va chuong trinh Com Thit bang nhung bai viet tu trai tim, nhung bai viet day thuong yeu, dau don, tran tro… Ca nhan minh da khoc nhieu lan vi hinh anh va nhung dong chu cua cac ban. Minh tin rang nhung co dong tuong lai cung se nuong theo nhung bai viet cua cac anh chi ma den voi cac em. Xin cam on ngoi but cua tat ca.

    • Cám ơn mquang và Hương đã an ủi và động viên. TL kiểu gì cũng “làm tiền” được… Hihi… Trẻ nghèo nhiều lắm.
      Thân mến.

  3. Coi bộ cái màn «đấu bài» hấp dẫn quá đi… nhưng 15 triệu một bài thì để cho bác Tiến một mình ngất ngưỡng trên đỉnh cao đó đi. Còn phía mình, bói rẻ còn hơn ngồi không, viết ngắn thôi, mọi người cứ ra đề tài… nhưng ai sẽ là mạnh thường quân trả tiền đây? Rẻ lắm, giá mấy cũng viết được.

    Nhà ngoại xin ra để tài thứ nhất: Vì sao thân lừa ưa nặng? Không có tiền viết cũng được, vì sao phải chờ có tiền mới viết? Tiền càng nhiều viết càng hay? Vì sao?

    • Bác T viết để vinh danh ông bạn quyên góp cho gánh thôi mà Nhà Ngoại. Chẳng có ai cho tiền thì chúng cháu vẫn đi, vẫn làm, vẫn viết đấy thôi.

    • Nhà ngoại ơi, con cố viết theo đề tài Nhà ngoại đặt nhé? Mình không cần “đỉnh cao muôn trượng” 15T nhà ngoại nhỉ…
      Thân mến.

  4. Em nghe kể lúc lên trường, thấy các cháu khổ quá, bác Tiến khóc nức nở rồi…chửi 1 câu. Ghi âm lại rồi, hôm nào họp chi bộ em mang ra đấu tố. Cái câu chửi ấy hay lắm, thay mặt cả nhóm cảm ơn bác

  5. Cam on anh Tien da viet bai nay (mặc kệ bẩn bụi, mặc kệ mệt nhọc, bật máy và ngồi gõ bàn phím như điên…:) . Cac co giao chac se rat vui va cam dong khi doc bai cua anh.
    Cam on ban doc cuu binh Muong Khuong da thuc day nha van nhan hau nay khai but . Tam long cua ban doi voi cac thay co va Ganh hang Xen that la sau dam dang quy thay!

    • Mình cũng thèm tiền ghê gớm vì càng đi càng tuyệt vọng và bất lực khi thấy mình tài mọn chỉ biết mỗi việc vắt chữ kiếm tiền. Mà chữ nghĩa ở xứ mình rẻ lắm. Cố noi gương anh trai để xem có ai đặt bài vào ngày của đàn ông gì ấy…(ngày quân đội, ngày của Cha, thậm chí ngày giết sâu bộ cũng được…hehe…) để kiếm vài “chai” mua đồ gùi lên vùng cao… Ai mua chữ đê…

    • Chi. TL o*i, em -da~ lo*~ -do.c & nho*’ Ta^y Nguye^n sau khi chi. vie^’t ba\i ve^\ ho^m no. -di Ma(ng Buk roi -da^’y. Cho ne^n mo*’i le^ me.t -di mang giay, de’p, a’o mu*a cho ca’c em ne. Hugssss

    • DQ yêu quí. Mình đã biết DQ đóng góp rất nhiều cho GHX. Tháng 4 này mình lại đi Kon Tum đấy. Cám ơn DQ nhiều.
      Thân yêu.

Bình luận về bài viết này