“Làm từ thiện rất cần có văn hóa”

Có mỗi chuyện này mà mình (MC), SC, Minh Tâm cứ lăn tăn mãi, bàn mãi: viết, không viết, viết, không viết. Viết ra thì sợ ảnh hưởng tới tấm lòng của những người thật sự chân thành, lo gom đồ cũ, giặt ủi sạch sẽ, đóng bao ni lông từng cái một như thế này:

Mà không viết thì cũng thấy bức xúc khi bọn mình trở thành nơi trung chuyển rác cho một số người. Minh Tâm đã từng chán nản suốt mấy ngày liền vì phải ngồi phân loại tám thùng đồ như thế này:

Và còn nhiều thứ kinh hoàng hơn rất nhiều mà mình không dám đưa lên đây, chưa kể những thứ mà Minh Tâm “nhìn mắc ói lắm, em không dám chụp ảnh đâu”. Kết thúc của tám thùng đồ ấy là Minh Tâm phải trả tiền cho công nhân vệ sinh đem bỏ hộ bốn thùng.

Nhân có bài LÀM TỪ THIỆN RẤT CẦN CÓ VĂN HÓA của chị Anh Thơ nhóm Vì ta cần nhau, mình kéo về đây để cả nhà cùng đọc, coi như để chia sẻ “tai nạn nghề nghiệp” này.

Làm từ thiện ngày nay không còn xa lạ gì với dân thành phố. Qua đài báo ti-vi mọi người thấy bao cảnh ngộ éo le, đặc biệt là các bé vùng cao ăn không có chất, áo không đủ ấm và họ muốn san sẻ với những số phận kém may mắn đó. Một điều thú vị là không phải những người giàu làm từ thiện mà chính những người không hề giàu lại rất tích cực làm từ thiện.

Nhóm Vì ta cần nhau thật vui mừng trở thành địa chỉ nhận được bao món quà từ những trái tim nhân ái mang đến tặng cho những con người còn nhiều cảnh ngộ khốn khó. Trong những món quà này có rất nhiều quần áo mới và cũ, đa phần là quần áo đã qua sử dụng. Quần áo mới thì thật đơn giản, chỉ cần xem số lượng kích cỡ là có thể nhắm ngay tới đối tượng nào để mang đến chẳng cần phải vất vả nghĩ ngợi gì nhiều. Riêng quần áo cũ đương nhiên là phải chọn lựa phân loại kỹ càng hơn. Có nhiều chiếc còn bền, đẹp, sạch sẽ thơm tho lắm, chắc hẳn người nhận sẽ vô cùng vui sướng vì họ không chỉ sẽ có chiếc áo, chiếc quần đẹp mà còn nhận ở đây những tình cảm ấm áp yêu thương chia sẻ thực sự từ phía người làm từ thiện. Tôi rất nhớ có lần hai cô bạn tôi là Ngọc Hà và Hà Hương mang đến cho tôi những thùng, những túi quần áo được gấp gọn gàng là ủi thơm tho sạch sẽ. Đúng là “thương người như thể thương thân” rất đáng trân trọng.

Tuy nhiên, (thực lòng tôi cũng chẳng muốn nói ra nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn cần phải nói) trong những túi quần áo mà một đôi người mang đến làm từ thiện quả thật cũng nên nhìn nhận lại xem chính bản thân mình có mặc được những đồ ấy nữa không (chưa nói là có thích không). Các bạn thử nhìn xem một vài chiếc quần áo này nhé.

Quần ố vàng hôi không chịu được.

Đố mọi người cái gì đây?

Cặp đôi hoàn hảo!(?)

Bộ đồ này sành điệu quá nhưng đố ai dám mặc đấy.

Chiếc quần này chắc có từ thời Napoleon để chỏm.


He he, mốt mới quần xẻ một ống đây, áo rách hai bên nách và túi sờn rợn người nè.

Đây kiểu quần khoe mông.

Xinh chưa này váy ngủ điệu đà, chỉ tội bà con vùng cao không xài được.

Thật tiếc một đống quần áo như thế này bị loại ra. Mất bao công chuyên chở chọn lựa!

Suốt cả một buổi từ 8.30 sáng đến hơn 1 giờ chiều hôm nay mấy chị em cô cháu chuyên chở hàng quyên góp, phân loại đóng gói được khoảng chục bao quần áo lành lặn sạch sẽ dành cho các bé Tiểu học, Trung học cơ sở và người lớn,nhưng phải loại ra một đống quần áo không thể dùng được nữa. Có những chiếc chăn có thể dùng được nhưng hôi một cách khủng khiếp phải nhờ bác giúp việc nhà T.A. giặt giúp may ra mới dùng được.

Chúng tôi không chê hay kén chọn quá đáng mà chỉ muốn mọi người khi chung tay giúp đỡ người nghèo cũng nên lưu ý xem đồng bào mình, con em mình ở vùng cao có mặc được những thứ này không, những chiếc quần chiếc áo, chăn màn có thơm tho sạch sẽ không. Thế mới biết “của cho không bằng cách cho”, nghĩa là làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, cần phải tôn trọng con người.

Là những người bắc nhịp cầu nối những tấm lòng hảo tâm với những số phận bất hạnh đói nghèo, nhóm Vì ta cần nhau xin mọi người hãy bớt chút thời gian khi soạn áo quần để tặng, nếu sứt chỉ xin khâu lại lành lặn, nếu bẩn nếu hôi xin giặt cho sạch. Đừng gửi những chiếc quần chiếc áo quá cũ sờn ố mốc và những đồ lót váy ngủ hoặc những loại quá cỡ. Quần áo gửi đến phải được người cần đón nhận và sử dụng hiệu quả. Đừng để những người nghèo phải tủi thân và cảm thấy như bị bố thí, bị coi thường. Có thể bạn hoàn toàn không có ý đó nhưng xin bạn hãy lưu tâm một chút, bạn sẽ có niềm vui đích thực, chúng tôi cũng có niềm vui và đặc biệt những người được giúp đỡ cũng sẽ có niềm vui gấp bội. Xin nhớ hạnh phúc là khi cho đi nghĩa là bạn đang nhận lại rất nhiều đấy.

Các bạn nhé, hãy để việc làm từ thiện là nét văn hóa đẹp, là thước đo tình cảm của con người biết suy nghĩ, tức là bạn đã chuyển đi một thông điệp tình cảm “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” như ngàn đời ông cha đã từng làm bạn ạ.

14 thoughts on ““Làm từ thiện rất cần có văn hóa”

  1. Mọi người cùng nhau chia sẽ, cùng nhau góp công sức vì người nghèo, khó khăn. Tôi thật sự rất đồng cảm với mọi người. Làm từ thiện cũng cần phải có tâm,

  2. Đọc bài này xong mình trào lên phẫn nộ,chỉ muốn mắng,muốn quát mà rồi đành nén xuống.Thương các bạn và giận những kẻ vô tâm ,vô tình,vô văn hóa…Theo mình nên có những thông báo rõ ràng ở trên trang chủ và ở mục gom hàng về chủng loại, chất lượng,và điều kiện vệ sinh…để tránh những việc như trên.Chúng ta muốn được sự ủng hộ tự đáy lòng chứ không cần sự bố thí,không vơ bèo vạt tép.Khi nhận hàng nên có kiểm tra sơ bộ,phải hỏi người mang đến về các tiêu chuẩn,nếu không phù hợp,yêu cầu mang ngược về luôn.Các bạn chớ có nghĩ ai cũng như mình.Cuộc sống luôn là một sự sàng lọc.

    • Bình tĩnh, chị ơi, thật ra tất cả những điểm tiếp nhận đều là nhờ vả kết hợp cả, Gánh mình đâu có nhân sự chuyên trách ngồi thu nhận đồ đâu mà kiểm tra. Chưa kể bọn em cũng chẳng muốn làm buồn lòng những người thật sự có tâm, không quản vất vả chở đến những bịch đồ của bản thân và bạn bè, hàng xóm.
      Chỉ mong rằng ý thức của những người ủng hộ sẽ ngày càng tốt hơn, không phải là tôn trọng người tiếp nhận, mà chính là tôn trọng bản thân mình.

    • Em ơi,chị hiểu chứ,nhưng nói với người nhận giùm hỏi một cách chân thành thì ai cũng hiểu mà.Dù sao chị vẫn nghĩ là nên nói rõ tại trang chủ và mục gom hàng,đây là ý kiến riêng của chị thôi,còn tùy các bạn xử lý vấn đề cho vừa mức.Đk là phải sạch sẽ,không hôi hám, rách,ố,mục,không nhận đồ lót…Các nơi khác chị thấy người ta cũng có những đk như vậy.

    • Vâng, chắc bọn em sẽ làm như chị nói. Bởi vì có lần bọn em nhận được nguyên thùng đồ trông bên ngoài rất sạch sẽ, nhưng bên trong có những món đồ ướt nhẹp, bẩn thỉu như vừa vớt từ chậu giặt ra và quẳng thẳng vào thùng. Có những bao tải đồ được người cho nói rõ là đồ mới, thậm chí còn dán sẵn nhãn của nhóm tài trợ (giống như muốn nhờ Gánh đưa nguyên bao tải đó trực tiếp luôn cho các trường), thế mà khi bọn em khui ra (chỉ có ý là phân nhỏ cho các điểm trường) thì mới thấy là hàng phế phẩm: cái thì không cúc, cái thì không dây chun, cái thì không khóa kéo, cái thì vải chỗ buộc dây đã mục như được buộc từ cách đây cả thập kỷ… Hầu như chẳng có chuyện gì mà nhóm soạn đồ của Gánh chưa gặp chị ạ.
      Dựa vào ý thức nói chung thì khó thật, vì tiêu chuẩn về sự sạch sẽ và quan điểm về việc trao tặng những món đồ cho người khác thật sự có sự khác biệt quá lớn giữa từng cá nhân.

  3. Mình vẫn nhớ đợt chuẩn bị gánh Tả Gia Khâu – Pa cheo – Sàng Ma Sáo, phân loại quần áo cũ là phần việc tốn công và thời gian nhất, phải thúc ép nhau làm đến khuya mệt phờ thậm chí qua bữa ăn. Mệt nên khi gặp những gói đồ ủng hộ được chọn lựa trước, được nâng niu giặt ủi thơm tho xếp ngay ngắn cẩn thận mấy chị em lại trầm trồ cảm ơn người tặng. Ngược lại, mình nhớ một lần SC phải cử một bạn trẻ chạy ra mua gấp một xấp khẩu trang y tế vì thứ mùi không thở nổi của một vài gói đồ :((

  4. Thật ra mình lặng lẽ qua lại Hàng xén cũng lâu lâu rồi nhưng đến khi đọc được đoạn chị MeCoi viết về chị Minh Tâm “…có nhóm ……thiện nguyện mà giống đi du lịch, “có lần đi đến giữa đường, bực quá em bỏ về luôn…” Đồng cảm quá! nên mình mon men đến đấy. Quả là mình chưa hình dung ra được hết khó khăn công việc chuẩn bị của các bạn. Trông thấy mấy cái ảnh mà ..nổi da gà lun, mấy thứ ấy có đem đến B.I.C Systems thì máy nó cũng phải vừa bịt mũi vừa chạy ấy chứ! . Từ khi còn nhỏ mình vẫn nghĩ: Giúp người khác là cho họ nhưng thứ họ cần mà minh có thể, còn đem cho nhưng thứ minh kg cần nữa thì có phải là giúp đâu!
    Thật thông cảm với các bạn!
    Mà các Chị ơi những hàng hóa thiết yếu cho Măng buk chuyến tháng 8 tới thế nào rồi ạ? (mình sức yếu nên cứ hay lo …xa! hihihihi…)

  5. Cảm thông với các bạn, ngay cả bên nầy cũng vậy bạn ạ, nhiều lúc đem đồ đến những nơi nhận đồ củ, Hùng Thoa cũng cảm thấy buồn cho những người nhận đồ, vì nhiều người cứ nghĩ chổ ấy là nơi cái gì cũng nhận hay sao ấy.
    Dạo gần đây bên nầy mỗi lần nhận, người ta kiểm tra và có quyền từ chối, không biết bên nhà mình có làm được không nhỉ ?

    • Cũng khó Hùng ạ, nhiều người rất ngại khi đem đồ cũ đi cho, thậm chí ít người để lại tên vì “có đáng giá gì đâu”, bọn mình không muốn vì vài con sâu mà làm những người thật sự có lòng buồn. Chia sẻ để mọi người biết thêm “chuyện hậu trường” thế thôi ấy mà 🙂

  6. Hic hic hic… Nhóm phân loại trong Kho Cơm có thịt cũng từng gặp trường hợp này roài. Chán chả buồn chết. Nhiều lúc cũng buồn vì họ như đang biến mình làm thay việc của công ty vệ sinh.

    • Kho Cơm có thịt vẫn nhận được nhiều bịch kiểu này lắm ạ. Nhưng cũng có những túi đồ được giặt, gập gọn gàng (hình như có cả Comfort nữa vì thơm lắm). Kho xử lý đồ không dùng được bằng cách cho vào bao tải, mỗi ngày một ít bỏ ra xe rác. (nếu bỏ nhiều là mất thêm tiền), bực mình thì ít nhưng buồn thì nhiều.

Bình luận về bài viết này