MĂNG BUK – NƠI TRÁI TIM CÒN Ở LẠI

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh (Mẹt Gỏi lá)

Bài được dẫn từ blog của Mẹt Gỏi lá: http://metgoila.wordpress.com/

Chỉ với hơn 40km đường mà mất hơn 2h đi ô tô mới vào tới nơi với U-oát, còn Lexus và Captiva thì phải chịu thua nằm lại dọc đường. Lần đầu tiên biết những “Ổ Voi”, “ Ngầm” khủng bố thế nào và phải nhờ người bản địa chạy dùm chứ mình chịu thua (Qua chuyến đi này kinh nghiệm lái xe của mình lên tay hẳn đấy nhé ). Nghe các thầy cô bảo cách đây vài năm nếu muốn vào đến trung tâm xã phải đi mất 2 ngày với xe máy. Nghe thật kinh khủng!
11h nhóm đã có mặt tại Trường dân Tộc Bán Trú xã Măng Buk, phải nói ai cũng mệt nhưng rất vui và tinh thần phấn chấn. Tranh thủ lót dạ và bàn kế hoạch chia thành các nhóm đi các điểm Trường tại các thôn, buôn. Mình và 3 bạn thành viên “nhóm bạn thân 1+” phụ trách 3 điểm Trường Đăk Uy Bay, Đăk Pong I và Đăk Pong II. Lần đầu tiên biết đơn vị đo lường đường bộ mới của các thầy, cô giáo nơi đây khi mình hỏi đường đến thôn Đăk Uy Bay khoảng bao nhiêu km. Thầy hiệu phó cười và nói ở đây không ai tính bằng km cả. Nếu đến được điểm trường này thì mất tầm 50 phút đi xe máy nếu trời nắng, còn trời mưa thì tùy. Mà đúng thật, toàn đi bằng đường mòn của bà con đồng bào đi nương rẫy. Dốc thì đi số 1 với xe Sirius mà 1 người ngồi sau còn đẩy xe mới chịu lên được dốc.
13h nhóm đã có mặt tại điểm trường xa nhất của xã. Thôn Đăk Uy Bay với gần 50 hộ dân tập trung sinh sống ven triền đồi. Điểm trường là 2 phòng học dành cho cấp 1 và mẫu giáo với 3 giáo viên phụ trách. Nhìn những đứa trẻ lem luốc vì bùn đất và không được chăm sóc mình không khỏi chạnh lòng. Nghĩ đến những đứa trẻ đầy đủ điều kiện hơn ở thành phố được cha mẹ đưa đón đi học thì phải nói rằng trẻ ở đây rất ngoan và nhút nhát. Nhìn những đứa trẻ trên tay cầm quà của nhóm rất vui vì có lẽ lần đầu tiên có người quan tâm đến chúng như vậy. Khi chia tay điểm trường Đăk Uy Bay còn lại trong tim mình ánh mắt thầy giáo, một ánh mắt rất buồn như khi chia tay với người thân vậy …
Từ điểm Đăk Uy Bay đến Đăk Pong nhóm gặp phải 1 cơn mưa rào mà các thầy đi cùng nhóm đã cảnh báo trước. 1 dốc ngắn nhưng cả người, xe đều toàn bùn đất. Cả nhóm phải hì hục đẩy từng chiếc xe máy lên dốc trơn tuột. Đi dép thì tuột, bỏ dép lại té. Lên được dốc, cả nhóm nhìn nhau ai nấy đều vừa thở vừa cười toe toét… Lại lôi máy ảnh ra chụp tất cả các tư thế với bùn đất khắp người và xe.
Sau chuyến đi, mình thật cảm phục các thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ ở đây, có thầy cô chỉ mới sinh năm 1991 mà đã dạy ở các điểm trường. Cái tâm với nghề, muốn mang cái chữ đến với đồng bào còn khó khăn nơi đây. Tuổi trẻ nhiệt huyết mang văn hóa đến các thôn, làng như lời bài hát : .. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên …
Cảm ơn “ Gánh Hàng Xén “ đã mang tấm lòng đến với Tây Nguyên, nơi những trẻ em còn thiếu thốn về mọi thứ. Nơi mà lòng yêu nghề của các thầy cô giáo, nơi tình cảm của mọi người còn mong đoàn ở lại khi phải nói lời chia tay …
Muốn viết thật nhiều, nhưng đành phải hẹn các thầy cô ở Trường DTBT Măng Buk , Trường DTBT Đăk Ring và điểm trường ở các thôn vào 1 ngày không xa.
Mình hứa sẽ quay trở lại, nhất định sẽ quay lại …

( Nguyễn Văn Thịnh )

 Bếp ăn của học sinh Trường DTBT Măng Buk

Phát bánh mì, bánh kẹo điểm Trường Đăk Pong II

Ngầm thế này mà ngăn được tình cảm của mình sao :)

Không những phát quà cho học sinh, còn rất năng động tạo trò chơi cho các em

Những cánh bướm sau cơn mưa :)

Dãy bàn ăn của học sinh Trường DTBT Đăk Ring

Một lớp học tại điểm Trường Đăk Pong II

27 thoughts on “MĂNG BUK – NƠI TRÁI TIM CÒN Ở LẠI

  1. huhu! Bài của anh Thịnh được đăng trên này rùi, em ganh tị với ông anh nhà em quá.
    Sau 1 thời gian “to be continued…”, em đã viết xong bài viết của mình “Măng Buk – Ngày trờ lại”. Các anh chị đọc nhé! hehe!
    [AN]

  2. @ Thịnh: cảm ơn các bạn Mẹt Gỏi Lá đã tiếp sức cho GHX. Bọn mình cũng thấy thèm có thêm thời gian chơi với các bé, và giao lưu nhiều hơn với các thầy cô. Mấy chuyến Tây Bắc vừa rồi chạy sô khiếp quá, xếp lịch mà chỉ thấy chạy và chạy hi hi hi.
    @ Hùng Thoa: Ý tưởng cái rạp chiếu phim lưu động thật lãng mạn nhỉ, làm mình nhớ lại thuở bé xem phim nhựa chiếu rạp ngoài trời. Bây giờ nếu có điều kiện trang bị cho mỗi trường 1 TV 21″ + 1 DVD + 1 hộp đĩa phim, nhạc, tài liệu học tập thì tốt quá. Mua mới thì một bộ như vậy khoảng 2,5-3 triệu. Mấy chuyến rồi mới chỉ quyên góp ít TV, DVD cũ, nhưng còn thiếu nhiều nơi lắm.

  3. Có những người trẻ như mẹt gỏi lá, mình thêm tin vào tương lai,tuổi trẻ VN không phải chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, vùi đời vào các loại quán…Cám ơn mẹt Gỏi lá tiếp sức trẻ cho gánh hàng xén này.

  4. Nợ Thịnh và 1+ một chuyến đi trong tương ai, một bữa gỏi lá, một cafe Eva, một cầu vồng bên dốc núi, một trận mưa rừng, một cung đường bùn nhão, một trận cười xổ ruột, một tình yêu Tây nguyên và những một chưa thể kể hết…

  5. Cám ơn Thịnh về bài viết ngắn gọn nhưng đầy tình cảm. Cám ơn bạn và Mẹt gỏi Lá vì các bạn đã “để lại trái tim” ở Mangbuk. Mình rất thích lời chú giải:” ngầm thế nàymà ngăn đuược tình cảm của mình sao?”. Ngầm , bùn, trợt, dốc, mưa, xa xôi….không thể ngăn đưọc nhiệt tâm của các bạn!!!

  6. Tây Bắc, Đông Bắc cũng như Tây Nguyên…nơi nào Gánh đến được, dầu chỉ 1 vài lần, là các con đỡ vất vả. Hôm nay có một The Present, một Mẹt Gỏi Lá, hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều Gỏi Lá, thêm nhiều Present …

    Một điều đã và sẽ mãi mãi có: các thầy cô giáo. Vô cùng khâm phục, ngưỡng mộ và thương mến các thầy cô, những “tình Yêu ở lại”! Hy vọng các thầy cô được an ủi, khích lệ phần nào khi Gánh ghé thăm.

    • Việc cắm ở mỗi địa bàn một Mẹt là ước mơ đấy Hương ạ. Thực ra các Mẹt chủ đi từ xa đến sẽ tốn kém rất nhiều về thời gian và chi phí. Nếu muốn các hoạt động được phong phú và chu đáo, lâu dài phải gầy dựng được các mẹt tại địa phương.

  7. Bên Bác Tuấn có xe rùi, hay là bàn xem mình chơi cái hộp chứa projector screen cuốn bên thành xe, trong xe trang bị theater projector, mỗi lần lên với các con, ban đêm chiếu phim cho các con xem, giống như thời bọn mình còn nhỏ vậy. Nếu được Hùng tài trợ phần nầy.

    • hungthoa ơi trên đó các con đi học ban ngày thôi, tối về nhà, chỉ có một số điểm trường có nội trú và cũng rất ít. Đoàn trừ khi kẹt lắm còn thì ít khi ngủ lại bản nên việc chiếu phim cho các con rất hay nhưng khó thực hiện. (Mấy lần ngủ lại bản tụi mình phải ngủ trên bàn học ghép lại, hoặc ngoài xe, hoặc phòng các cô giáo nhường cho… lần rồi ngủ lại ở Sàng Ma Sáo nhiều người về bị nhiều vết bọ chó cắn cho nữa :()

      Sau bữa ăn mọi người cũng nghĩ tới các giá trị tinh thần cho các con, việc có thể làm hiện tại là nhận ủng hộ các TV cũ (còn tốt) rồi đem lên chia về các điểm trường, và tài trợ các tủ sách, truyện. Nghe đơn giản vậy mà làm chưa xuể, còn nhiều điểm trường lắm các con chưa có được các mục này 😦

    • @HungThoa: Bất cập ở chỗ xe tải thường phải chạy trước để rải hàng, đoàn sẽ đến sau để bàn giao để tiết kiệm thời gian cho chuyến đi anh ạ. Cái vụ chiếu phim này em đã nghiên cứu và làm thử rồi anh, rất tuyệt, hôm nào có thời gian em sẽ viết về việc đó. Sang năm Gánh chắc chắn sẽ triển khai hoạt động ấy anh ạ.
      @Lana: Chiếu phim không nhất thiết phải ban đêm đâu chị 🙂

  8. Mình không thèm ghen tị với mẹ Còi, Minh Tâm gì nữa về gánh hàng Măng buk, nhứt quyết không ghen tị gì trừ mỗi là có được Mẹt gỏi lá làm bạn đồng hành. Cái này thì ghen tị lắm lắm lắm lắm.

    • @Mẹ Còi: ừ đấy, huhu.
      @Hungthoa: coi chia lời mới ghen mà. Gánh hàng Tây Bắc cứ đi răm rắp như máy, lịch kín mít mịt, thèm cũng chả có nhiều thời gian nói chuyện chơi trò chơi và hát với bọn trẻ. Tiếc cho mình và tiếc cho lít nhít nữa, mỗi lần được chơi với các cô chú bác khách như thế này chúng sẽ hào hứng và nhớ mãi.
      Nên thích quá khi có Mẹt gỏi lá lo cho Măng buk phần này.

    • Nàng ơi, không thể gi gỉ gì gi cái gì cũng muốn được. Gánh ngoài ấy đi những 47 điểm trường, không vắt chân lên cổ mới lạ, trong này đi có 7 điểm thôi nên mới có thời gian thong thả hơn. Đi nhiều thì lo được cho nhiều cháu hơn, đi ít thì lo chất lượng (tinh thần) hơn được một chút, được cái nọ phải mất cái kia thôi 🙂

    • Mình cũng có cảm giác giống Lana, bọn mình đều không có được sức trẻ để tổ chức trò chơi cho các bé giống như vậy! Quả là ghen tị nhiều lắm.

Bình luận về bài viết này