Nhật ký Tây Bắc: Những nẻo đường núi

Tác giả: HAT

Bài viết này được dẫn từ blog của Bang chủ HAT: tuanhavn.blogspot.com

07.03.2012

Mới hai lần lên Bát Xát và một lần lên Mường Khương, mà những địa danh, những cung đường trước đây tôi chưa từng nghe đến, giờ đây cũng trở nên vô cùng thân thương, quen thuộc, như thể tôi đã sống ở đây lâu rồi. Có lẽ tại bởi vì tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trung du, nên tôi yêu những con đường ngoằn ngoèo trườn trên sườn đồi dốc núi, những con đường vượt suối băng ngầm ở Tây Bắc.
 
Chiếc xe tải của chúng tôi chở nặng quần áo, sách vở và những vật dụng học tập, sinh hoạt cho các em bé ở Pa Cheo và Sàng Ma Sáo (Bát Xát) đến Lào Cai lúc 4h chiều ngày 4.3. Từ Lào Cai vào Pa Cheo có hai con đường: một đường qua Sapa, dài khoảng 70 km, và một đường qua Bản Vược – Mường Vi – Bản Xèo, dài khoảng 35 km. Con đường qua Sapa lần trước tôi đã đi, trải nhựa khá tốt, nhưng nhiều dốc cao và dài. Sau khi hỏi thăm mấy người lái xe tải về con đường Bản Xèo, nghe nói đã sửa gần xong, và tôi biết hàng ngày xe khách Lào Cai-Mường Hum vẫn chạy tuyến đường này, chúng tôi quyết định chọn con đường ngắn. Anh chàng lái xe thích đi đường gần, còn tôi thì thích khám phá. Và chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian và sức lực vì đoạn đường này. Từ Lào Cai đến Bản Vược đường tốt. Từ Bản Vược đường rải đá dăm, cũng khá tốt tuy hơi hẹp. Nhưng chỉ được khoảng 5 km thì bắt đầu là đường đá gồ ghề, mấp mô, xe chạy rất chậm. Đến cách Bản Xèo khoảng 7 km, đường bị tắc do lở núi.
 

Chiếc xe ủi đất lại bị tuột xích, đứng chềnh ềnh giữa đường

Nghe chúng tôi nói xe từ Hà Nội chở hàng ủng hộ cho học sinh vùng cao, mấy anh công nhân sửa đường nhanh chóng dùng máy xúc kéo chiếc xe ủi ra, và dùng gầu xúc để san tạm đường cho xe ô tô qua.
 
Khi thông đường thì trời cũng vừa sập tối. Không quen đường, anh lái xe cứ dò dẫm từng tý một, chốc chốc lại nhờ tôi dùng đèn pin soi đường ở khúc cua gấp, hoặc xuống đánh xi nhan cho xe qua những chỗ ổ voi khỏi bị chạm gầm. Có đoạn suối, anh ta tháo giày, lội bộ qua ngầm cẩn thận rồi mới lái xe qua. Quãng đường hơn chục km còn lại đến Pa Cheo, chúng tôi lò dò đi hết hơn hai giờ đồng hồ.
 
Nhưng đoạn đường từ Pa Cheo vào Sàng Ma Sáo qua đèo Cán Tỷ vào sáng hôm sau mới là thử thách thực sự với chiếc xe tải nhỏ và người lái xe chỉ quen đi đường ở đồng bằng. May nhờ trời khô ráo và xe nhẹ bớt sau khi dỡ một phần hàng xuống Pa Cheo, chúng tôi vượt đèo an toàn, chỉ có mấy lần thót tim khi xe lắc lư nghiêng ngả ngay trên mép vực sâu hút, và một lần loay hoay nửa tiếng trên đèo để cậy hòn đá sắc lẻm kẹt chặt giữa hai bánh xe.
 
Ngày hôm sau, các nhóm “gánh hàng xén viên” chia nhau đi các lớp cắm bản, những nơi mà ô tô, thậm chí cả xe máy cũng không đi được nữa. Nhiều chỗ, các bạn phải đi bộ 3-4 km mới vào đến trường. Con gái Hà Nội có dám phi xe xuống con dốc dựng đứng lởm chởm đá như thế này?
 
Đường vào bản Nậm Pẻn (Sàng Ma Sáo)
Vậy mà các cô giáo trẻ ở đây vẫn chở hàng, chở người đi băng băng. Có chỗ tôi đi một mình một xe còn khó, thì thầy giáo tiểu học chở kẹp 3 vẫn chạy ngon lành. Một cô giáo còn trẻ măng, chắc cũng mới về trường, dừng xe máy ngay đầu con dốc vừa cao vừa hẹp, run run nói: “Các anh chị ơi, em sợ lắm!”. Nhưng khi mấy anh em trong đoàn xin cầm lái giúp cô, thì cô không chịu, tự đi xuống dốc an toàn, rồi bảo: “Em phải xin mãi bố mẹ em mới cho mang xe máy lên đây!”. Lúc đó mới hiểu tại sao các cô giáo bảo, chi phí lớn nhất của các cô ở vùng cao là tiền đổ xăng và sửa xe máy.
 
 
Ở Tây Bắc không chỉ có những cung đường gian nan hiểm trở, mà còn có những cảnh đẹp hùng vĩ làm say lòng người. Chiếc máy ảnh du lịch nhỏ xíu không thể giúp tôi lưu giữ lại tất cả những khoảnh khắc tuyệt vời trên đường đi. Tôi vẫn tiếc máy không đủ zoom để chụp cảnh những người phụ nữ H’Mông tắm bên suối Mường Hum trong chiều nắng cuối đông.

 
Khe suối Mường Hum, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ
 Ngầm Bản Xèo, nhìn từ lưng chừng đèo Cán Tỷ
 
 Bản Xèo, nhìn từ đèo Cán Tỷ
 
 
 Sáng sớm ở Tả Lèng (Pa Cheo)
 
Thung lũng Kin Sáng Hồ, nhìn từ Tả Lèng. Ở giữa là trụ sở UB xã và Trạm Y tế,
bên trái là Trường THCS, bên phải là khu trường Mầm Non + Tiểu học.
Trông ngay gần vậy mà phải đi xe máy 5-6 km đấy.
 
 
Trường THCS Pa Cheo, bên sườn dãy núi phía xa là con đường đi Sapa.
 
 
 Đổ nước vào ruộng bậc thang
 
Ruộng bậc thang ở Ki Quan San (Sàng Ma Sáo)
  
Giữa lòng suối cạn (Nậm Pẻn, Sàng Ma Sáo)
 
Mời bạn ngắm những nẻo đường Tây Bắc qua ống kính của N.H.T,
một tình nguyện viên mới trong chuyến đi này của Gánh Hàng Xén:
 
Đường lên bản Pờ Sì Ngài (Pa Cheo)
 
 
Tôi yêu những con đường gập ghềnh đá sỏi, như cái số phận trầm luân vất vả của những con người Việt Nam. Tôi yêu những con đường rải nhựa mịn màng, quanh co uốn lượn trên các sườn núi cao Tây Bắc, dẫn chúng tôi đến với những em thơ nơi địa đầu Tổ Quốc. Như yêu mảnh đất, nơi tôi đã sinh ra.

9 thoughts on “Nhật ký Tây Bắc: Những nẻo đường núi

    • Chào bạn Tùng
      Hiện chưa có lịch đi Hà Giang cụ thể. Bạn thường xuyên theo dõi trang Gánh Hàng Xén và trang trandangtuan.wordpress.com để cập nhật thông tin nhé.

  1. Anh ơi,
    Thế còn chuyện mất giày thì xảy ra ở đoạn nào? 🙂
    Hôm nào em phải hỏi anh kinh nghiệm chụp hình mới được, máy du lịch mà chụp được ảnh đẹp quá!

    • Ủa mình tưởng kể rồi.
      Lúc xe qua ngầm Bản Xèo (có hình chụp từ Cán Tỷ đó), trời tối om, cậu lái xe tháo giày lội ngầm để dò mực nước. Rồi vứt trong ca-bin. Sau mình mở cửa, xuống soi đường cho xe, thì giày rớt đâu chẳng rõ. Cậu ta chân trần lái về đến Pa Cheo, may là mình có mang theo một đôi giày thể thao dự phòng, vừa cỡ chân cậu ấy.

      Kinh nghiệm chụp hình “đơn giản” lắm: bấm lia lịa! Trăm voi chắc cũng được bát nước xáo mà 🙂 . Mình chỉ thích mỗi bức hình “Sáng sớm ở Tả Lèng” thôi. Còn lại .. dở ẹc à!

  2. Mình đã đọc bài viết này trên blog HAT, đọc lại vẫn rất thích cách viết giàn dị chân tình của tác gỉa. Những tấm hình phong cảnh thì mênh mông, bao la…đẹp tuyệt vời!

    • Hình HAT chụp cũng thường thôi. May có mấy bức của NHT gửi cho, thế là hớn hở post lên cuối bài, nhưng khi “chuyển nhà” thì Mẹ Còi “cúp” mất khúc đó rùi 🙂

    • Ơ, tớ copy toàn bộ sang cơ mà nhỉ, để xem lại rồi bổ sung vậy, tớ ko bao giờ tự nhiên cúp ngang xương thế đâu 🙂 Hay là mấy ảnh ấy là HAT up sau nhỉ, tại tớ cứ thấy bài mới là lôi về luôn để đấy, để dành đăng dần, nhiều khi sau đó tác giả sửa lại bài là tớ ko để ý.

    • @MC: nhờ MC copy luôn cả mấy dòng trước 4 bức hình cuối cùng, để tôn trọng bản quyền ảnh của NHT. Cảm ơn MC nhé!

Bình luận về bài viết này