HAT: Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Tả Lèng

Bài viết này được dẫn từ blog của Bang chủ HAT: tuanhavn.blogspot.com
 
06.03.2012
Những ngày đầu năm 2012, đi theo Gánh Hàng Xén tới Pa Cheo, tôi được phân công chia áo, chia quà cho các con ở lớp Mầm Non thôn Tả Lèng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lần đó tôi đã chết lặng khi thấy một thằng bé con khoảng 2-3 tuổi, đứng tựa cửa lớp nhìn vào với vẻ thèm thuồng. Nó chỉ mặc trên người duy nhất chiếc áo sơ-mi mỏng dài tới dầu gối, chắc của anh nó để lại, trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 6-7 độ C. Tôi đã rất hối hận vì không kịp tặng nó cái áo ấm, bởi bận quay qua quay lại phát áo trong lớp, lúc ngó ra thì nó chạy đâu mất rồi. Vội đi để kịp đến điểm trường khác theo lịch trình, tôi đã không có đủ thời gian tìm nó.

Lần này Gánh Hàng Xén trở lại Pa Cheo, tôi theo xe tải đưa hàng vào các điểm trường từ hôm trước, nên có cả một buổi tối để gặp gỡ, giao lưu với các thầy cô giáo và một số người dân thôn Tả Lèng. Nhờ cô Hải ở Mầm Non Tả Lèng, được biết tên cháu là Vàng A Thinh, nhà trong thôn này nhưng hơi xa, và từ sau Tết, Thinh đã bắt đầu vào học lớp mầm non. Đang tính nhờ cô dẫn đến thăm nhà bé Thinh, để trao tặng túi áo quần mà vợ tôi đã chuẩn bị riêng cho nó, thì cô Hải chỉ một chị người H’Mông, giới thiệu là chị Lý Thị Dơ, mẹ bé Thinh. Nhìn bức ảnh tôi đưa, chị ngạc nhiên lắm, rồi khi được cô giáo nói là cho ảnh mang về nhà đấy, chị tỏ vẻ rất vui mừng. Tôi đưa tặng túi quần áo, chị tần ngần e ngại không nhận. Nhờ cô giáo và mấy chị người H’Mông khác động viên, giục giã (họ nói với nhau bằng tiếng dân tộc, nhưng không khó để hiểu qua cử chỉ), chị mới nhận, tất tả mang về mặc cho con.

 
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi chia nhau đến các điểm trường, tặng áo quần và bánh mì cho các cháu. Tại lớp Mầm Non, tôi gặp lại bé Thinh. Hôm nay nó khoác lên người những 3 cái áo cùng cái quần trong số 4 bộ mới nhận tối qua. Con nhà nghèo, đông anh em, hẳn là thiếu ăn, nhưng thằng bé trông thật khỏe mạnh, chắc nịch. Có lẽ cuộc sống vất vả thiếu thốn, trong điều kiện hoang sơ và khắc nghiệt ở Miền núi cao Tây Bắc, trui rèn cho bọn trẻ ở đây sức sống mãnh liệt và khả năng chịu đựng cao hơn ở miền xuôi.
Vẫn là lớp học Mầm Non quen thuộc, vẫn những gương mặt ngây thơ trong sáng mà rất đỗi thân thương với tôi từ chuyến đi trước. Lần này chúng tôi tặng mỗi con thêm một áo khoác ấm và 1-2 áo thun mặc trong.
Còn đây là lớp Mầm Non bé. Đứa bé ngồi giữa, hàng phía sau, lần trước đã khiến tôi trào nước mắt vì nó mặc cái áo khoác vừa bẩn, vừa rách được khâu túm luôn hai mép áo thay cho cúc. Cậu anh trai của bé, ngồi hàng trước, đang mải mê ngắm nghía mấy cái áo mới nhận. Cả hai mới được bố mẹ sắm cho áo sơ mi mới thì phải, màu ghi xám kẻ sọc.Rời lớp Mầm Non, sau khi nhờ cô Nhuận phát bánh mì cho các con sau giấc ngủ trưa, tôi sang thăm mấy lớp Tiểu học bên cạnh. Bọn trẻ Tiểu học đang háo hức chờ nhận quà từ sáng.
Mỗi cháu được một bộ quần áo vải sợi mới tinh rất đẹp, một áo khoác, một áo một quần thun, một khăn quàng ấm (đều đã qua sử dụng, nhưng tốt và sạch sẽ). Nhiều đứa diện ngay vào người, nhưng nhiều đứa khư khư ôm chặt đống “tài sản” quý giá trong tay.
Đang thời gian bận rộn làm nương, ít người dân bản đến xem chúng tôi chia quà hơn lần trước, nhưng lại có rất nhiều những cảnh “trứng vịt” cõng “trứng gà” thế này:
Cậu bé này nhận áo khoác, nhưng xin đổi bộ pijama cỡ nhỏ để cho em.
Em cũng có ghế ngồi trong lớp 3
Những bạn lớp 5 này đã có ủng mới từ Gánh hàng trước Tết Nguyên đán, không còn cảnh “chân trần đến lớp” như trước đây nữa.
TH Tả Lèng, 04.01.2012 (ảnh: HAT)
TH Tả Lèng, 15.02.2012 (ảnh: Hùng)
Nhờ công sức đóng góp của bao tấm lòng hảo tâm, đặc biệt là của bạn DQ từ Mỹ, chúng tôi đã có thể cấp cho mỗi điểm trường một tủ thuốc cơ bản và một túi sơ cứu với đầy đủ thuốc sát trùng, bông, băng, gạc, ga-rô, kéo, băng dính, hướng dẫn sử dụng ….Tôi tin rằng những bát cơm thêm thịt, những tấm áo ấm, những đôi tất, đôi ủng … mà chúng tôi được thay mặt bà con gần xa chuyển đến đây, sẽ giúp các cháu bé ít ốm đau hơn, lớn lên khỏe mạnh hơn, giỏi giang hơn. Và điều quan trọng nhất là chúng sẽ cảm nhận được tình cảm ấm áp lá lành đùm lá rách, để hiểu rằng luôn có những tấm lòng quan tâm đến chúng, rằng trẻ em sẽ không bị bỏ quên trong đói nghèo nơi thâm sơn cùng cốc, cũng là nơi phên dậu của Tổ Quốc này.

8 thoughts on “HAT: Nhật ký Tây Bắc: Trở lại Tả Lèng

  1. À, đính chính nhé: những đóng góp từ bên phía DQ thì không phải của 1 mình DQ mà là của nguyên nhóm các anh chị em bên này nhé. DQ chỉ là người chuyển giúp và vác mẹt ra đỡ thôi ạ! Nên chi, công lao của DQ chẳng có gì hết đâu nha!

    hugs all!
    (bưng từ bên nhà bác T. qua đây luôn)

  2. Mình có “duyên” với tấm hình 3 em lớp 5 chân trần ngồi trong lớp mà HAT đã chụp vào đầu tháng 1. Mình đã save tấm hình này ở trên desktop, và bây gìờ, thêm 1 tấm hình rất vui, rất ấm của chính 3 em ây chụp bởi thầy Hùng vào tháng 2.
    Những tấm hình như thế này là món qùa vô giá cho những người bạn ở xa không có cơ hội đến với các con, HAT ạ.

    • Tôi hiểu cảm xúc của bạn.
      Mỗi chuyến đi mang lại cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc, nhưng không thể kể hết ra được bằng lời. Lần này chúng tôi thấy vui nhiều hơn, vì các bé đã có tạm đủ đồ ấm tối thiểu, các lớp Mầm Non đã có cơm thịt. Lần này ngoài quần áo, bánh kẹo, GHX cũng mang lên đây được rất nhiều thứ lỉnh kỉnh: tủ thuốc sơ cứu, vật dụng sinh hoạt, đồ dùng học tập …

      Vẫn còn chút băn khoăn về nước sạch thiếu thốn, về những cặp lồng cơm trưa của học sinh tiểu học thức ăn chỉ có rau, có khi chỉ vài lát gừng, hoặc thậm chí cơm trắng. GHX đang tính xem có cách nào cải thiện bữa trưa cho các bé Tiểu học và đưa nước sạch về trường ở Pa Cheo và Sàng Ma Sáo.

  3. Một cảm giác nghẹn dâng lên trong lòng tôi khi đọc các bài viết này.
    Tôi nghĩ công việc khó khăn nhất của Gánh không phải là quyên hàng, gom hàng, đem hàng lên cho các em, vì tuy khó, nhưng mỗi người một tay, công việc rồi cũng xong. Nhưng sau khi đi về, viết lại cảm xúc của mình, những gì mình thấy, những gì quả tim mình cảm, những gì mình muốn làm… thì thật là khó.

    Tất, tất cả sao mà khó viết quá, cũng như sao mà khó… đọc quá. Nhìn hình các em thấy thương, thấy đẹp nhưng sao không dám nhìn.
    Những chuyện thương tâm này đã chạm vào một thứ tình thiêng liêng cao quý mà ai cũng mang trong lòng, tình nhân loại. Đứng trước tình nhân loại bao la như vậy, thật khó để viết lên được cảm xúc của mình, chỉ xin hết lòng cám ơn tất cả các anh chị trong Gánh.

    Nhà ngoại

    • đúng thật là dù đã về đến nhà, ấm áp đủ đầy mà cảm xúc vẫn nguyên đó, những hình ảnh vẫn nguyên đó, sao khó viết vô cùng.
      Cảm ơn Nhà Ngoại thật nhiều vì sự đồng cảm.

Bình luận về bài viết này