Trần Đăng Tuấn: Đi dọc biên cương

Bài viết này được dẫn từ blog của anh Trần Đăng Tuấn: trandangtuan.wordpress.com

Lào Cai :Một vùng biên cương phía Bắc.

Bạn hãy nhìn lên bản đồ , và sẽ thấy đường biên giới thuộc địa bàn Lào Cai có hình chữ V. Đáy của chữ V đó là Thành phố Lào Cai. Cạnh phía trái là Bát Xát (màu vàng), cạnh bên phải chữ V là Mường Khương ( màu xanh).Trong mấy tháng qua, ” Cơm có thịt” đã đi dọc theo hai cạnh chữ V đó. Bạn hãy nhìn kỹ đi : Chúng ta đã qua Pa Cheo, Y Tý, Ngải Thầu, A Lù, Dền Thàng, Trịnh Tường của Bát Xát ( dọc cạnh bên trái của chữ V), rồi dọc theo cạnh thứ hai, chúng ta đã đến Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Dìn Chin, Tả Ngải Thầu, Tả Gia Khâu. Từ Tả Gia Khâu, dọc theo đường biên, là vài xã biên giới thuộc SiMa Cai, vẫn là Lào Cai. Rồi sẽ là đường biên giới ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng sơn.Còn nếu từ Y Tý đi men theo đường biên theo chiều ngược lại (về phía trái), chúng ta sẽ qua đất Lai Châu và Điện Biên. ” Cơm có thịt” cũng đang đến Điện Biên, và sẽ lan rộng dần dọc theo biên giới.

Những cân thịt, những chiếc áo ấm mang lên đó, chúng ta không muốn gọi  là một hoạt động từ thiện. Nếu các bạn để ý, trên blog này rất ít khi dùng từ “từ thiện” hay ” hảo tâm”. Không, chúng ta làm một việc nhỏ thuộc về trách nhiệm của chúng ta, theo thôi thúc sâu xa tự trong lòng. Bởi chúng ta đều là con dân nước Việt. Nơi phên dậu của đất nước, nơi người lạ nhìn sang, chúng ta không thể để trẻ con- phần tươi non nhất của đất nước, thiếu bát cơm ngon, và thiếu áo mặc, khi cái rét từ phương Bắc tràn vào. Đến lúc các chương trình quốc gia hỗ trợ tiền ăn cho học sinh miền núi được triển khai đầy đủ, chúng ta vẫn có nhiều việc làm để giúp thêm các em, nếu không là ” cơm thịt”, thì là nhiều cái khác nữa. Và chương trình nhỏ này của chúng ta sẽ đi hết dọc biên giới phía Bắc, sẻ chia theo sức mình với những mái trường ở những nơi khó khăn hơn cả. Đó là kế hoạch thời gian tới. Sau đó, chúng ta sẽ đến với những người bạn nhỏ ở  nhiều vùng cao khác nữa  .Mong các bạn đồng ý với tôi về lộ trình này.

Nậm Chảy : Từ cái bắt tay này, có thể…

Trong các trung tâm xã của Mường Khương, Nậm Chảy là nơi đường khó vào hơn cả. Chiếc xe ca 30 chỗ mượn của An Ninh TV không thể đi vào, phải dỡ áo, chăn sang xe Pajero của anh Hùng. Trước Tết, anh Hùng nhắn cho chúng tôi là xin thường xuyên tham gia các chuyến đi. Và đây là chuyến thứ hai anh và anh Hoàng (lái xe) rong ruổi lên biên giới. Anh kể thông thường vào tiết này vợ chồng anh đi chùa chiền để cầu một năm mới tốt lành an lạc cho cả nhà. Năm nay anh ‘xin” vợ cho đi lên với trẻ vùng cao. Vợ nhất trí ngay, nói rằng vậy cũng như là đi đến nơi cửa Phật.

Nhưng cũng không chở hết đồ  trong một chuyến được. Cô D., công tác tại Phòng Giáo dục huyện, gọi ngay cho đồn trưởng biên phòng Nậm Chảy . Câu đầu tiên của đồn trưởng là : ” Nếu là xe hai cầu thì mới vào, nếu không cứ đợi đó, có com-mang-ca của đồn ra chở hộ. Trên đường vào, gặp đồn trưởng và xe của bộ đội chạy ra.

Điều vui là dù ở nơi hiểm trở như vậy nhưng Tiểu học và Mầm Non có trường chính khá khang trang.Tiểu học có khu nội trú nhà xây cho 40 em nhà xa. Chúng nó được nhận áo đầu tiên. Rồi lục tục bố mẹ những đứa nhà gần trường thấy có phát áo thì chở con quay lại trường nhận áo rét.

Chuyển áo, chăn sang xe nhỏ để vào Nậm Chảy
Sau những chuyến đi, ai cũng thạo việc chằng buộc
Đường vào Nậm chảy: Xe ngược chiều phải nép vào nhường chỗ, vì đường rất trơn trượt và vực rất sâu
Học sinh nội trú đợi nhận áo mới
Những chiếc áo này rất được bọn conn trai ưa chuộng
Các thày cô nói : Thế này thì yên tâm chuyện ấm người cho chúng nó rồi
Cháu thích vì áo giống màu áo của bộ đội biên phòng
Vội đưa con quay lại trường để có áo mới ngay hôm nay

Trời đã tối,mình rủ mọi người xuống nhà ăn, xem chúng nó ăn uống ra sao. Mỗi học sinh nội trú đã được hưởng chế độ nhà nước là 320 ngàn/tháng. Kể ra thế là khá lắm so với những nơi chế độ này chưa đến. Khi xuống đến nơi, thấy chúng nó chỉ ăn cơm với canh,  một hai miếng thịt mỗi suất chúng nó đã ăn hết rồi. Nhìn kỹ cũng có đứa còn một miếng trong bát.Trong góc, có ba bốn đứa trẻ ngồi chung bàn, ở giữa có cái ngăn cập lồng đậy kín, mở ra thấy vỏn vẹn một miếng thịt bé xíu. Hỏi sao không ăn đi, một đứa rụt rè chỉ bạn, lí nhí : ” Của bạn ấy”. Một lúc sau, còn mỗi bé chưa ăn xong, mà miếng thịt lại được đậy nắp lại. Hóa ra bé này được bố mẹ chiều nay ghé qua cho thêm thức ăn, nó để dành lại một miếng cho ngày mai. Cậu biên phòng trẻ thầm thì vào tai tôi : ” 320 ngàn nhưng các cô phải chi cho đủ thứ, nên chúng nó ăn uống cũng còn đạm bạc lắm , các bác có cách gì giúp thêm được không ạ ?”.

Cơm nội trú
Chủ yếu vẫn là cơm và canh loãng
Aó  mới, nhưng cơm thì vẫn… cũ
Hỏi : Sao không ăn nốt. Cháu trả lời : Thịt của bạn ạ !
Của để dành. Kho dự trữ .
Đến cuối bữa ăn, cô bé đậy miếng thịt lại, để cho ngày mai

Câu nói ấy của chú biên phòng khiến mình lăn tăn (hay vân vi, như ông Tiến thường nói). Ở vùng này lính biên phòng và thày trò tuy hai mà một, khách lên trường thì cùng tiếp chung. Cả buổi tối mình vẫn thấy mắc: Chương trình ” Cơm có thịt” phải dồn vào chỗ tiêu chuẩn nhà nước chưa đến. Ở đây là nơi đã có, thuận lợi hơn chỗ chưa có, mà vẫn “đạm bạc” vậy thì có cách gì ?. Mường Khương có rượu Sén Cù rất nổi danh, uống đến đâu biết đến đấy, nói chung khó mà thoát say. Nhưng riêng hôm đó có vẻ Sén Cù giúp bọn mình, sau vài chén thì bật ra một giải pháp: Ở trường thì không có đất chăn nuôi, nhưng cái khoản nuôi lợn thì hóa ra lính biên phòng là siêu. Mình đề xuất: Chương trình vận động để có nguồn giúp mua con giống, thức ăn chăn nuôi.Bộ đội biên phòng nuôi giúp lợn trong chuồng trại của đồn. Các em thay nhau tham gia chăm sóc.Và nếu làm được như vậy thì Mẫu giáo và Tiểu học sẽ có thịt ăn thêm quanh năm. Bộ đội nhất trí, thày cô cũng nhất trí.Phòng Giáo dục Huyện càng nhất trí. Và một hiệp định ba bốn bên được ký kết theo kiểu “nắm tay” rất “quốc tế”. Ừ thì cũng là một hiệp định có tầm quan trọng lớn lao đấy chứ. Từ cái nắm tay này, biết đâu sẽ hình thành một mô hình ” Cơm thêm thịt” cho học sinh suốt dải đường biên ?.

Biết đâu, sẽ có một mô hình để cơm học sinh vùng biên giới có thêm thịt?

(còn tiếp)

1 thoughts on “Trần Đăng Tuấn: Đi dọc biên cương

Bình luận về bài viết này