Báo cáo chi tiết (3): Nhà HAT – thăm Tả Lèng

Bài chuyển nhà từ trang songthatcham.wordpress.com

Posted on 07.01.2012
Bài dẫn từ blog của blogger HAT. Vợ chồng anh cùng N., con trai 13 tuổi, là nhóm đi thăm điểm trường Tả Lèng. Vợ anh, bạn PMH, thổ lộ với tôi: “Bao nhiêu phiêu lưu mạo hiểm trong suốt cuộc đời của tớ cộng lại cũng chưa bằng 1 ngày trong chuyến đi này“. Bạn có thể tìm hiểu thêm minh chứng cho câu nói bất hủ ấy ở địa chỉ: tuanhavn.blogspot.com :)
 
Sáng 03.01, một cơn mưa rào xối xả làm chúng tôi phải xuất phát từ Sapa đi Pa Cheo chậm hơn dự kiến. Lại càng phục bạn Sống Thật Chậm đã tính toán chu đáo, đưa đồ vào Trường từ chiều hôm trước. Chờ mưa ngớt, chúng tôi lên đường. Nhờ mưa nên sương mù ít hơn, nhưng đường cũng trơn hơn. Cảnh vật trên đường đẹp mê hồn, song chúng tôi không có nhiều thời gian để dừng lại chụp hình.
 
 
 
Núi non trùng điệp trong mây
 
Đường đi Pa Cheo trải nhựa, khá tốt. Nhưng xe phải dừng cách điểm Trường chính – Kin Sáng Hồ – khoảng 1 km, vì người ta đang thi công đoạn đường qua ngầm. Đến nơi, đã có rất đông thầy cô giáo và dân bản đang đội mưa đứng chờ đón, đưa chúng tôi vào từng điểm trường bằng xe máy.
 
 
Bản Tả Lèng cách nơi ô tô dừng khoảng 5-6 km. Xe máy chở tôi vừa đi thì bị thủng lốp. Chờ một lúc, có người dân bản đi qua, tôi nhờ chở vào trường, đến chậm mất 10-15 phút. Đưa tiền, anh xe máy nhất định không lấy, tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn anh. Ba người nhóm chúng tôi, ngoài số thức ăn đã chuẩn bị của Gánh Hàng Xén, còn xách theo 3 túi quần áo trẻ em do một người bạn của tôi vừa đưa buổi tối trước hôm đi, mà tôi không kịp chuyển cho Gánh Hàng Xén, và quyết định mang theo để phát dự phòng.
 
Đến nơi, tôi bàng hoàng khi thấy trường lớp sơ sài đến thế.
Cổng trường dốc ngược, trời mưa đường trơn như đổ mỡ, tôi đi rón rén lắm mới không bị té. Còn sân trường – có lẽ không cần bình luận gì thêm – bạn cũng tự thấy cả rồi.
 
Leo lên đã khó, leo xuống còn khó hơn!
Sân trường của chúng em.
Chạy vội vào lớp Mầm Non, tôi không kịp để ý thấy mấy lớp Tiểu học bên cạnh, sau mới biết Trường Mầm Non “ở nhờ” Tiểu học. Hơn 20 đứa tý nhau 4-5 tuổi đã ngồi ngoan trong lớp đón khách. Lúc tôi bước vào, cô giáo nói: “Các con chào khách nào!”, chúng đồng thanh: “Chúng con chào cô ạ” :) .
Lớp chúng cháu có bức tranh đẹp thế !
Sắp được chia áo, chia quà !
Ngoài cửa có rất đông người dân bản đến xem “cán bộ phát thịt phát áo” – họ cứ gọi người miền xuôi là cán bộ. Không biết con bé xinh xắn, khoảng 6 tuổi, chân đất địu em này có được đi học không nhỉ?
Tôi đã ứa nước mắt khi thấy đứa bé khoảng 2 tuổi đứng dựa cửa nhìn vào. Định bụng lát nữa rảnh tay sẽ chia quà cho nó, vậy mà lúc sau không biết nó chạy đi đằng nào mất rồi. Ân hận mãi. Lúc đó nhiệt độ ngoài trời ở Pa Cheo chỉ khoảng 7-8 độ C, mưa phùn lất phất. Tôi cởi áo khoác, chỉ mặc sơ mi và áo gi-lê len. Và tôi cảm thấy rằng, nếu không vận động liên tục, chỉ cần ngồi hay đứng yên 10-15 phút, tôi sẽ hóa thành kem.

Chúng tôi lần lượt phát áo len, áo khoác, rồi mũ len, truyện tranh, đồ chơi cho từng bé. Còn quần nỉ và tất thì nhờ các cô phát sau.

Khi mặc áo len cho một bé trai, tôi lại một lần nữa ứa nước mắt. Khi cởi cái áo khoác ngoài rách bươm của nó, tôi phát hiện ra hai ống tay áo ướt sũng, và bên trong áo khoác, có duy nhất cái áo thun cộc tay. Hay cánh tay thằng bé lạnh như đá, tím ngắt. Vội vàng mặc áo len, áo khoác mới cho nó và nhờ cô giáo phơi cái áo khoác cũ cho khô.
Sách của ai đẹp hơn?
Tôi có thể cam đoan với các bạn rằng những cuốn tranh màu xinh xắn, đính kèm cái nơ và bức thiệp nhỏ ghi tên từng bé, do mẹ con bạn Sống Thật Chậm kỳ công chuẩn bị, và các món đồ chơi mà nhiều người góp vào Gánh Hàng Xén, bất kể cũ hay mới, sẽ là những món quà quý giá nhất đối với các bé. Đơn giản bởi chúng, và có lẽ cả các anh chị, thậm chí cả cha mẹ chúng, chưa bao giờ có những thứ này trong đời.
Búp bê có xinh bằng mình không nhỉ?
Ở lớp Mầm Non lớn mới thêm một bé. Nên áo len áo khoác, đã đặt mua theo danh sách từ trước, không đủ phát cho nó. May sao có túi áo len mới do người bạn gửi để dự phòng, tôi chọn một cái to nhất, nó mặc vừa in, súng sính màu hồng, làm các bé bên cạnh ngoái sang ngắm.
Áo len hồng chen giữa
Xong lớp lớn, phát tiếp cho lớp bé. 15 đứa 3 tuổi học trong căn phòng 8-9 m2, là một nửa căn nhà lá này (nửa còn lại là phòng ở của giáo viên). Chỉ giờ ăn, giờ ngủ chúng mới lên ở cùng phòng lớp lớn, trong ngôi nhà xây của Tiểu học.
Lớp học của chúng cháu
 
 
Bọn trẻ rất ngoan, chưa đến lượt cứ khoanh tay ngồi chờ. Được quà thì lễ phép cảm ơn, rồi quay sang bạn, cười toe toét khoe quà. Tôi đoán thế, vì chúng nói với nhau bằng tiếng H’Mông, thỉnh thoảng mới được các cô giáo dịch giúp cho vài câu. Chúng nó rất thích thú khi tôi chụp hình, rồi cho từng đứa nhìn thấy hình của mình trên bức ảnh.
Lần thứ ba trong ngày, tôi suýt trào nước mắt khi mặc áo len mới cho thằng bé này. Nó mặc một cái áo sơ mi rách, bên ngoài là cái áo khoác cũng rách. Tôi không thể cởi cái áo khoác được, vì nó không có cúc, không có khóa, mà được khâu chỉ hai mép áo. Hỏi cô giáo, cô bảo không cởi được đâu, chúng nó mặc thế cả mấy tháng mùa đông, vì chỉ có chừng đó áo thôi. Đành cắn môi, chọn cái áo len to nhất, mặc chùm ra ngoài áo khoác của nó.
 
Đã 11 giờ, các cháu lớp bé tự xách ghế lên lớp lớn để ăn trưa. Bữa trưa nay chúng được ăn giò, chả, những món ngon dưới xuôi mà có lẽ chúng chưa từng nếm bao giờ. Có lẽ thèm ăn lắm, nhưng tụi nhỏ cứ khoanh tay ngồi chờ, khi nào tất cả các bạn đã có suất ăn, cô nói “Các con ăn nào”, chúng nó mới bắt đầu ăn.
 
Người Hà Nội học làm “hầu bàn”
 
Mỗi bé được cô xúc cho một tô cơm to, thêm 3-4 miếng giò. Những đứa trẻ nhỏ thành thị có khi còn ỷ eo chê thịt mỡ, thịt dai, các bà các mẹ phải nựng lên nựng xuống mới chịu cho bón nửa bát cơm. Còn bọn trẻ con ở đây tự xúc ăn ngon lành, loáng cái đã hết tô, có đứa còn xin thêm cơm.
 
Cơm với gì đây nhỉ? (cháu chưa thấy bao giờ)
 
Món lạ này ngon quá
Trong lúc bọn trẻ Mầm Non ăn ngon lành, tôi tranh thủ ngó kỹ phía ngoài lớp học. Lại thấy đắng lòng vì những cảnh này.
 
Mút tay cho đỡ đói
Bố con Trưởng thôn
Sẵn có mấy túi áo quần dự phòng nói trên, chúng tôi đem ra phát cho bọn trẻ 1-2 tuổi ở ngoài sân, mỗi đứa 1 áo len, 1 đôi tất, 1-2 cái áo quần thun. Số đồ cũ còn lại (khoảng 50-60 thứ, chủ yếu vừa cho trẻ 2-3 tuổi), nhờ các cô chia nốt cho các cháu nhỏ trong bản, hoặc để lại ở lớp, dự phòng cần thay đồ cho các bé, mỗi khi chúng bị ướt.
 
 
 
 
 
Đã 11h30, điện thoại réo, trưởng đoàn thúc giục ra xe để đi tiếp. Chúng tôi vội vàng nhờ các cô làm nốt những việc còn lại: khi bọn trẻ ngủ dậy cho chúng uống thuốc tẩy giun, giữa buổi chiều cho chúng ăn bánh mỳ chấm sữa, … rồi chào chia tay. Cô giáo trẻ đang nói bỗng nghẹn ngào, quay đi, khóc. Vội quá, chúng tôi cũng chưa kịp xin cô số điện thoại.
 
Những tưởng được rời trường trong ánh mắt đưa tiễn hân hoan của bọn nhỏ, của dân bản. Nào ngờ chúng tôi lại bị sốc, khi đi ngang qua và ngó vào mấy lớp Tiểu học bên cạnh. Nào chúng nó có được mặc lành lặn, ăn sung sướng gì hơn mấy đứa em bên Mầm Non cho cam. Vậy mà lần này, chúng tôi chẳng mang được gì đến cho chúng nó. Dốc ngược ba-lô, còn một gói kẹo, đem ra chia cho chúng nó đỡ tủi thân, rồi chúng tôi rời trường, thật nhanh, như chạy trốn khỏi cảm giác đau đớn và bất lực.
 
Chúng cháu học lớp 5 rồi ạ!
Chân trần đến lớp

Trên đường rời Pa Cheo, tôi đã quyết sẽ phải quay lại nơi này, sẽ phải làm gì đó cho bọn Tiểu học, để không bị ám ảnh bởi nỗi xấu hổ trước nụ cười thân thiện, ấm áp và tin cậy thế này đã dành cho chúng tôi.

 

 

16 thoughts on “Báo cáo chi tiết (3): Nhà HAT – thăm Tả Lèng”

HAT va Song Cham than men, chuyen hang ke tiep, khong biet co du tien de mua ung cho cac em tieu hoc Pacheo khong nhi? Minh thay co nhieu em chan dat …Minh o xa ma con thay sot ruot nhu the nay, cac ban da dich than lan loi len tren ay, chac la ruot gan nong nhu thieu day chu nhi? Minh hy vong co them nhieu ban doc duoc nhung bai phong su chan tinh nay, dong cam voi chung ta va se gop them nhieu “ngon lua am ap” cho cac em.

Reply ↓

Bọn mình đi về cũng đang sôi sục vì lo áo ấm cho TH Pa Cheo, nếu đủ tiền áo thì đến ủng, mũ, khăn, tất … chỉ lo không có tiền. Lo cho Pa Cheo chưa xong lại thương Sàng Ma Sáo ngay bên cạnh còn chưa được tí gì. Từ mấy bữa nay trên đó rét kinh người bạn ạ. Có những bàn tay giúp sức, những lời động viên như của bạn, bọn mình cũng thấy có thêm tinh thần và sức lực. Cảm ơn Thu nhiều.

Reply ↓

Mỗi người viết mỗi vẻ, mỗi cảm xúc riêng biệt. Tựu trung đều xúc động trước thiếu thốn nghèo khó của lũ trẻ. Thôi thì làm được gì thì làm. Mấy anh em mình nên tập trung cho lũ trẻ tiểu học Pa Cheo. Gắng trước Tết cho chúng nó tấm áo. Cảm động lắm lắm. Vào blog của Hat không được. Mấy hôm nay blogspos.com khó vào quá.

Reply ↓

Dạ bọn em cũng đang cố gắng lo cho Pa Cheo (và Sàng Ma Sáo nếu có thể), sớm ngày nào hay ngày ấy.
Blogspot hay bị chặn, có lẽ anh phải tìm cách trèo qua tường lửa mới vào được.

Reply ↓

Bác nhà văn ơi, chưa được gặp bác bao giờ nhưng rất mến mộ cuốn Tàn đen đốm đỏ của bác. Bác có thể thông qua nhỏ STC ký tặng em một cuốn được không ạ?
STC bảo kê dùm vụ này, gửi cho bác Tiến nhé.
Ủng hộ rất chân thành cho chương trình của mọi người.

Reply ↓

Bác Tiến, bác Tiến! Em nói nhỏ với bác điều này: Làm gì có chuyện xin không chữ ký nhà văn thế nhỉ? Quy ra thành bao nhiêu ủng hay áo tùy bác định liệu nhé :)

Đề nghị bác Tiến hết sức thận trọng khi xử lý vụ này. Nếu cần có thể cử STC làm đại diện thương thảo hợp đồng, sao cho chỉ một chữ ký mà ra được nhiều áo và ủng nhất. :)

Oh tuyệt quá, hay là chúng ta quảng cáo bán chữ ký của bác Tiến đi, tiền thu được quy hết ra thịt và áo ấm cho bọn trẻ :)

Lana ủng hộ bác Tiến ký TẶNG bạn tam ca, vì biết đâu từ comment của bạn gánh hàng của chúng ta thêm được khá nhiều :)

Lana yên tâm, chị em tớ biết bạn tam ca này, cứ để yên cho chị em tớ “chăn” bạn ấy đến nơi đến chốn, kẻo không trời lại mắng cho là không biết tận dụng cơ hội trời cho. :)

Tôi vừa gọi điện nói chuyện với cô Hải, Mầm Non Tả Lèng. Cô cho biết chiều hôm đó các cô Mầm Non có chia thức ăn (bánh mỳ, sữa, pate) cho hai lớp Tiểu học cùng nhà với Mầm Non. Còn 3 lớp Tiểu học ở khu nhà khác (cách mấy trăm m) thì chưa đủ để chia.
Số quần áo cũ 1-2-3 tuổi chúng tôi để lại, cô cũng đã phân phát hết cho trẻ em trong thôn. Họ biết có áo quần trẻ em, nên đến tận nhà cô giáo để xin, mỗi cháu cũng được 3-4 món nho nhỏ. Cảm thấy chút ấm lòng bạn ơi.

Reply ↓

Vâng, em nghĩ cái gì đắp được thêm vào người bọn trẻ trong thời tiết này cũng quý. Trẻ con đứa nào mình cũng coi như nhau thôi, đâu có lòng dạ nào phân biệt Mẫu giáo hay Tiểu học hay thất học ở nhà.
Việc liên lạc trực tiếp đến các thôn như thế này tiện nhỉ anh nhỉ, cảm giác như mình được ở gần với các con hơn. Anh nhớ trả thù lao cho em đấy nhé :)

Reply ↓

Cả buổi chiều nay đọc bài trên bác Tuấn, chị Linh, đ.c Hải mà chảy nước mắt suốt,

Nói thật các bác hồi đi học Đại học, mình rấ ghét bọn KV “Chỉ các học sinh dân tộc, còn cán bộ miền núi cử đi học” học thì Ngu (xin lỗi để tôi nói đúng suy nghĩ hồi đó) hay uống rượu đánh nhau!!! Và không bao giờ bị đuổi học.

Nhưng đọc các bài này thấy người dân ở đây thật tội nghiệp, còn cái bọn con cán bộ kia thì cũng giống miền xuôi thôi, Con quan nên có Điều kiện :d (để hư, chơi bời, láo)

Reply ↓

STC làm lộ mất bí mật về độ “anh hùng rơm” của tớ rồi!
Thôi đã lộ rồi thì thú nhận luôn thể. Mấy ngày trong chuyến đi này không chỉ là kỷ lục của mình về “cảm giác mạnh” lúc trèo đèo lội suối giữa trời mưa rét trên đường trơn dốc đứng (những thứ này bây giờ nghĩ lại thấy chẳng thấm tháp gì) mà kỷ lục lớn hơn là những cung bậc của cảm xúc: niềm vui chen lẫn nỗi buồn, nụ cười hoà trong nước mắt, vừa thấy mình trưởng thành hơn lại vừa thấy mình thật nhỏ bé… Những cảm xúc ấy tuy hai mà một, tuy một mà hai, vừa ngọt ngào, vừa cay đắng. Những điều này phải thật may mắn mới có cơ hội được trải nghiệm. Cảm ơn STC, cảm ơn những người bạn đường của tôi, cảm ơn những em bé vùng cao đã đem lại cho tôi sự may mắn này.

Reply ↓

Tớ tin là tất cả mọi thành viên trong đoàn đi lần này đều có những trải nghiệm tương tự, nhưng mỗi người có cách thể hiện khác nhau. Tớ thì cảm ơn chuyến đi vì nó giúp tớ cảm thấy mình đang sống với chính mình, cảm thấy con người bên trong tớ chưa khô héo hay đông cứng lại.
Sáng nay đọc thư của H., tớ chảy nước mắt khi H. chia sẻ: “…Tớ thấy xấu hổ vì đã có lúc tớ muốn đi khỏi cái đất nước ô nhiễm nặng nề cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này. Lúc ở biên giới ấy tớ hiểu ra rằng tớ quá yêu mảnh đất này, quá thương những con người tớ đã gặp trên đỉnh núi kia, tớ hiểu rằng những việc nhỏ bé mà chúng mình đang làm cũng đang góp phần giữ gìn mảnh đất ấy…” (Xin lỗi lại làm lộ bí mật của H. lần nữa)

Reply ↓

con vai gio nua la di len do,doc bai nay, thay may la sap di roi. mai thoi co ao cho chung roi. cham la ngay kia..
tiec xe be qua.

Reply ↓

Mừng quá! thế là nhiều “CHÚNG NÓ” sắp có áo mới!
Tuần này em bận không đi cùng các bác được. Cảm phục nhất là bác DMK. Không biết bác ấy ngủ vào lúc nào nữa? Chúc các bác mạnh khỏe bình an!

Reply ↓

Bình luận về bài viết này